Mỹ hy vọng phá băng hòa đàm Israel – Palestine
VOV.VN - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6/11 có các cuộc hội đàm riêng rẽ với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Israel và Palestine vẫn duy trì quan điểm cứng rắn đối với các vấn đề đưa ra đàm phán và tiếp tục đổ lỗi cho nhau về sự chậm trễ của tiến trình này.
Như một động thái để nhắc nhở các bên về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình hòa bình mong manh vừa được nối lại, Ngoại trưởng Mỹ bắt đầu chuyến thăm Israel và Palestine bằng nghi lễ đặt vòng hoa tại quảng trưởng Rabin ở Tel Aviv, tưởng nhớ cố Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, người ký Hiệp định hòa bình tạm thời ở OsloNauy, với chính quyền Palestine năm 1993.
Ngoại trưởng Jon Kerry (Ảnh AFP) |
Trước khi bắt đầu các cuộc tiếp xúc riêng rẽ với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, ông Kerry thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những thách thức và khác biệt rất lớn giữa 2 bên trong tiến trình hòa bình.
“Tôi đến đây nhưng không mang theo bất cứ ảo tưởng nào về những khó khăn của tiến trình hòa bình. Tôi đến đây để thảo luận vói các nhà lãnh đạo Israel và Palestine nhằm tìm con đường đi đến giấc mơ mà Tổng thống Israel Shimon Peres và cựu Thủ tướng Rabin theo đuổi lâu nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm con đường đó, và tôi có thể cam kết với Israel rằng nước Mỹ luôn ở bên Israel trong mỗi bước đi,” Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Đến nay, tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestine đã đi được 1/3 chặng đường 9 tháng mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barak Obama đặt ra. Tuy nhiên, qua gần 20 cuộc gặp mà Israel và Palestine vẫn chưa đạt được tiến bộ trong bất cứ vấn đề cốt lõi nào như biên giới nhà nước Palestine, thỏa thuận an ninh, tương lai các khu định cư của người Israel trên những vùng đất chiếm đóng của Palestine hay số phận của những người tị nạn Palestine.
Trước chuyến thăm lần này của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, chính phủ của ông cam kết tiếp tục tham gia tiến trình hòa bình này nhưng vẫn duy trì quan điểm cứng rắn về các vấn đề cốt lõi, đó là “người Do Thái phải có một nhà nước ngay trên quê hương của họ”.
Trong khi đó, ông Nabil Abu Rdeineh, Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng, tiến trình đàm phán hòa bình cần phải có sự kiên quyết của Mỹ đối với các hành động “gây hấn của Israel”, cho rằng đây là những chướng ngại vật lớn nhất cho tiến trình hòa bình.
Một quan chức cấp cao Palestine hôm 5/11 cho biết, chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas không thể tiếp tục đàm phán khi Israel tiếp tục theo đuổi kế hoạch xây dựng các khu định cư.
Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời Nghị sỹ đảng Likud kiêm Thứ trưởng Bộ Giao thông Israel Tzipi Hotovely cho biết, liên minh cầm quyền đang chuẩn bị một kế hoạch hành động đơn phương trong trường hợp đàm phán hòa bình với Palestine một lần nữa đổ vỡ.
Chỉ vài giờ trước khi ông Kerry đặt chân đến Trung Đông, 2 cơ quan báo chí hàng đầu Israel là tờ Yediot Aharonot và Đài Phát thanh Quốc gia cũng đưa tin các nhà đàm phán nước này đề xuất với phía Palestine về việc dùng Bức tường Ngăn cách ở Bờ Tây làm đường biên giới cho nhà nước Palestine trong tương lai thay vì đường biên giới trước năm 1967 như mong muốn của Palestine.
Phía Palestine chắc chắn sẽ không chấp nhận đề xuất này, nhất là khi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) năm 2004 đã đưa ra đánh giá không mang tính ràng buộc rằng Bức tường Ngăn cách này trái với luật pháp quốc tế.
Trước những động thái đó, Giám đốc Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Amos Yadlin nhận định: “Tôi vẫn nghĩ rằng việc đạt được một thỏa thuận hòa bình cho Trung Đông giống như một phép màu. Nhiều khả năng là sau thời hạn 9 tháng đề ra chúng ta vẫn không thấy một thỏa thuận hòa bình nào. Nhưng ít nhất việc các bên đang tiến hành đàm phán cũng tốt hơn là không có cuộc đàm phán nào”.
Giới quan sát cho rằng, tiến trình hòa bình Trung Đông có thể còn trì trệ một thời gian dài khi Israel vẫn tiếp tục chiến thuật “lùi một bước để tiến 2 bước”, nghĩa là một mặt đồng ý thúc đẩy thỏa thuận trao trả tù nhân Palestine kéo dài làm 4 đợt, mặt khác vẫn tiến hành các khu định cư cho người Do Thái trên những vùng đất chiếm đóng.
Tuy nhiên, Israel cũng sẽ không để tiến trình này sớm đổ vỡ vì Thủ tướng Netanyahu không muốn một lần nữa đối kháng với Tổng thống Palestine Abbas trên mặt trận ngoại giao bởi phương Tây lúc đó không còn lý do gì để duy trì sức ép với Palestine.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry từng tuyên bố rằng nếu hết thời hạn 9 tháng mà các bên vẫn không tự đưa ra được một đề xuất hòa bình thì Washington có thể sẽ làm cầu nối thúc đẩy các đề xuất cho hòa bình Trung Đông./.