Mỹ-Indonesia nhất trí “đổi nợ để cứu thiên nhiên”
VOV.VN - Bộ Tài chính Mỹ hôm qua biết Mỹ đã đồng ý xóa khoản nợ 35 triệu USD cho Indonesia trong 9 năm tới, để đổi lấy việc quốc gia Đông Nam Á này khôi phục và bảo tồn các rạn san hô tại khu vực mà các chuyên gia ước tính là mảng đại dương đa dạng sinh học nhất thế giới.
Các rạn san hô đang bị đe dọa nghiêm trọng trên toàn cầu, phần lớn là do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ nước biển. Đây là thỏa thuận hoán đổi "nợ cứu lấy thiên nhiên" thứ tư mà hai nước đã ký kể từ năm 2009 và dự kiến tài trợ ít nhất 15 năm cho công tác bảo tồn ở hai khu vực chính của 'Tam giác san hô'.
Hai khu vực này đều là trung tâm của đa dạng sinh học, trải rộng trên hàng trăm nghìn ha, môi trường sống của hơn 3/4 số loài san hô và hơn 3.000 loại cá, rùa, cá mập, cá voi và cá heo.
Theo Bộ Du lịch Indonesia, nước này có khoảng 5,1 triệu ha rạn san hô, chiếm 18% tổng diện tích thế giới, nhưng các rạn san hô đang bị tác động khi các dòng hải lưu thay đổi gây ra hiện tượng tẩy trắng trên diện rộng.
Indonesia được hưởng lợi từ các giao dịch hoán đổi nợ trước đó với Mỹ vào năm 2009, 2011 và 2014, tạo ra gần 70 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên tập trung vào các rạn san hô thay vì các khu rừng nhiệt đới của Indonesia, nơi đang bị đe dọa do việc mở rộng các đồn điền dầu cọ.
Các rạn san hô khó bảo tồn hơn ở cấp quốc gia vì chúng chủ yếu bị đe dọa bởi khí thải nhà kính toàn cầu đang nóng lên do đốt nhiên liệu hóa thạch, điều mà chỉ riêng Indonesia không thể giải quyết được. Thỏa thuận giữa Mỹ và Indonesia lần này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự khác biệt để bảo tồn các rạn san hô.