Mỹ-Iran tranh cãi gay gắt, thỏa thuận hạt nhân sắp tan vỡ?
VOV.VN - Mỹ và Iran đang có một cuộc đấu khẩu đầy căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân lịch sử khiến thỏa thuận này đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Trong khi Mỹ tuyên bố thỏa thuận hạt nhân với Iran cần phải thay đổi nếu không Mỹ sẽ không tham gia thỏa thuận này nữa thì phía Iran tuyên bố sẽ không chấp nhận đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đạt được với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015. Những tranh cãi gay gắt đang có nguy cơ đe dọa việc thực thi thỏa thuận lịch sử này.
Tổng thống Iran Hassan Rowhani (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết cái gọi là các điều khoản "Hoàng hôn", trong đó một số điều khoản kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran theo thỏa thuận giữa nhóm P5+1 ký với Iran sẽ hết hạn theo thời gian, đang làm Mỹ quan ngại. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, nếu tiếp tục thực thi thỏa thuận hạt nhân với Iran thì cần phải có một số sự thay đổi.
“Thỏa thuận này liên quan đáng kể đối với những thiếu sót mà Tổng thống Donald Trump đề cập đến. Đó là điều khoản hoàng hôn, trong đó người ta có thể thiết lập đồng hồ đếm ngược cho việc Iran có thể nối lại chương trình hạt nhân và các hoạt động hạt nhân. Và đó là thứ mà Tổng thống Donald Trump không thể chấp nhận”, ông Tillerson nói.
Những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ tiếp theo sau những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với thỏa thuận này. Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Donald Trump đã ám chỉ mạnh mẽ khả năng chính quyền của ông sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận hạt nhân, được biết đến là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và gọi thỏa thuận này là một "sự xấu hổ" đối với Mỹ.
Phản ứng với những tuyên bố của Mỹ, phát biểu vào hôm qua tại Liên Hợp Quốc, Tổng thống Iran Hassan Rowhani tuyên bố, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không phải là nước đầu tiên vi phạm Kế hoạch Hành động chung toàn diện, song sẽ đáp trả một cách kiên quyết và dứt khoát nếu bất cứ bên nào vi phạm thỏa thuận.
Ông Rowhani cũng khẳng định Iran sẽ không dung thứ cho bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào nước này. Ông cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã có bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó tuyên bố Iran đã tạo ra hành động bạo lực và gây bất ổn cho Trung Đông, phá vỡ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Tổng thống Rowhani gọi những lời nhận xét của Donald Trump là "màn hùng biện vô lý, lố bịch và hận thù với những cáo buộc vô căn cứ".
“Nếu Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân thì sẽ không có lợi cho bất cứ ai. Những lời lẽ hùng biện của họ chắc chắn sẽ tiếp tục, nhưng nếu Mỹ lựa chọn phá vỡ thỏa thuận này thì có nghĩa là Iran sẽ có quyền có bất cứ lựa chọn nào”, ông Rowhani tuyên bố.
Cùng ngày, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế của Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ không chấp nhận đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đạt được với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015. Ông Velayati nhấn mạnh, Iran đã chấp nhận đàm phán một lần duy nhất về chương trình hạt nhân của mình và đã tham gia tiến trình đàm phán kéo dài với nhóm P5+1 trước khi đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Hồi tháng 7/2015, Iran và Nhóm P5+1 đã ký kết thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện mang tính lịch sử tại Vienna (Áo) sau 18 tháng đàm phán khó khăn. Theo thỏa thuận, Iran cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế về tài chính, kinh tế và dầu mỏ.
Thỏa thuận này được cho là một trong những di sản ngoại giao nổi bật của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama tuy nhiên lại đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do những căng thẳng mới đây giữa Mỹ và Iran.
Vào tháng 10 tới, Tổng thống Donald Trump sẽ phải đưa ra đánh giá Iran có đang tuân thủ các cam kết trong Kế hoạch Hành động chung toàn diện hay không.
Nếu người đứng đầu Nhà Trắng ra quyết định phủ nhận, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định về việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đã được miễn trừ theo thỏa thuận ký năm 2015./.
Mỹ sẽ khiến thỏa thuận hạt nhân Iran bị đổ vỡ?