Mỹ - Israel chờ sang trang mới quan hệ dưới thời Tổng thống Trump?
VOV.VN - Israel đang chờ ngày khép lại mối quan hệ ngày càng rạn nứt dưới thời Tổng thống Obama để sang trang mối quan hệ với Mỹ dưới thời ông Trump.
Tại Diễn đàn Saban Forum, một cuộc gặp thường niên của các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Mỹ và Israel ở Thủ đô Washington, D.C hôm qua (4/12), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thể hiện những bất đồng gay gắt về tiến trình hòa bình Trung Đông. Điều này, phản ánh một thực tế rằng, đôi bên chỉ chờ đến ngày mối quan hệ song phương đang rạn nứt nghiêm trọng được sang trang mới dưới thời Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP. |
Phát biểu trực tuyến từ Jerusalem đến Diễn đàn Saban ở thủ đô Washington, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, việc xây dựng các khu định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây không ảnh hưởng tới tiến trình đàm phán hòa bình với Palestine. Ông Netanyahu thừa nhận đây là vấn đề cần được thảo luận trong tiến trình đàm phán hòa bình song cho rằng việc xây dựng các khu định cư không phải là nguồn cơn của cuộc xung đột đã kéo dài đến 50 năm qua.
Ngay tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thể hiện quan điểm bất đồng với phát ngôn của Thủ tướng Israel. Ông nêu rõ: “Nếu ông Netanyahu nói rằng đây không phải là nguồn cơn của cuộc xung đột thì tôi nhất trí với điều đó. Nhưng như tối nói trước kia, nếu bạn thấy một nhóm người có chiến lược cụ thể về việc đặt những tiền đồn và khu định cư tại những khu vực khiến chúng ta không thể nhận ra một nước Palestine liền mạch thì rõ ràng mục đích của nhóm người đó không phải là hòa bình.”
Ông Kerry chỉ ra rằng, có hơn một nửa số bộ trưởng trong Chính phủ Israel hiện nay đã công khai tuyên bố họ phản đối một nhà nước Palestine và rằng sẽ không có một nhà nước Palestine. Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo rằng những khu tái định cư của Israel đang làm xói mòn hy vọng về một giải pháp 2 nhà nước Israel và Palestine chung sống cạnh nhau.
Bất chấp những nỗ lực kiến tạo hòa bình Trung Đông của Ngoại trưởng John Kerry, Israel tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn trong vấn đề tìm kiếm hòa bình với Palestine. Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Saban, hôm 2/12 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman thẳng thắn bày tỏ hy vọng rằng có thể tìm thấy tầm nhìn chung với chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump về tương lai của Trung Đông.
Ông nhấn mạnh việc cần có một nước Mỹ mạnh mẽ ở khu vực này: “Rõ ràng đối với chúng tôi, ít nhất là đối với tôi, chìa khóa cho tương lai các khu định cư của người Do Thái là sự thấu hiểu của Mỹ. Tôi nghĩ rằng trong 8 năm qua đây là một vấn đề lớn, là điểm chính khiến chúng tôi bất đồng với chính phủ hiện nay. Đề xuất của chúng tôi là chờ chính quyền tiếp theo để thảo luận chính sách và tìm kiếm một tầm nhìn chung về vấn đề này.”
Ông Lieberman hoan nghênh thông tin con rể của Tổng thống đắc cử Donald Trump Jared Kushner có thể đóng vai trò trung gian đàm phán hòa bình ở Trung Đông, cho rằng đây là một nhân vật khôn ngoan và cứng rắn, có thể mang lại “nguồn năng lượng mới cho khu vực”.
Giới quan sát cũng cho rằng, Israel đang chờ ngày khép lại mối quan hệ ngày càng rạn nứt đến mức khó có thể hàn gắn dưới thời Tổng thống Barack Obama để sang trang mối quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, người được cho là có quan điểm cứng rắn hơn đối với Iran, đặc biệt là khi nhiệm kỳ tới, phe Cộng hòa vốn thân thiết với Israel cũng sẽ nắm quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ.
Ngoài bất đồng về hòa bình Trung Đông, Israel còn kịch liệt phản đối Tổng thống Obama thúc đẩy và cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa nước Cộng hòa Hồi giáo Iran với nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức). Thủ tướng Israel đã vượt mặt Tổng thống Obama khi đến Washington bày tỏ quan ngại về Iran trước Quốc hội Mỹ theo lời mời của phe Cộng hòa nắm đa số tại Hạ viện mà không báo trước với Nhà Trắng hay thu xếp gặp ông Obama. Kể từ đó, dù Mỹ tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc đảm bảo an ninh cho Israel bằng thỏa thuận viện trợ quân sự 38 tỷ USD cho nước này trong vòng 10 năm tới, mối quan hệ đôi bên vẫn bị coi là duy trì ở mức khiêm tốn so với mô hình đồng minh chiến lược./.