Mỹ lại “lên giọng” trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều
VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng Mỹ cần phải duy trì quan điểm phòng thủ, hợp tác, cứng rắn để đứng ở vị thế mạnh trong thời điểm quan trọng này.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 3/6 một lần nữa nhắc lại quan điểm cho rằng, con đường đi đến Hội nghị Thượng đỉnh với Triều Tiên là “rất gập ghềnh”. Mỹ, cùng với các nước đồng minh cần duy trì lập trường cứng rắn để có thể đàm phán ở vị thế mạnh trong thời điểm quan trọng này. Lập trường này được người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra tại cuộc gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua, nhân dịp tham dự Diễn đàn an ninh Đối thoại Sangri La vừa kết thúc tại Singapore.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu tại thủ đô Washington ngay sau khi trở về từ Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, con đường đi đến các cuộc đàm phán rất "gập ghềnh", và cần phải duy trì quan điểm phòng thủ, hợp tác, cứng rắn để các nhà ngoại giao có thể đàm phán ở vị thế mạnh trong thời điểm quan trọng này:
“Triều Tiên đóng một vị trí quan trọng trong hầu hết các cuộc thảo luận của tôi, tuy nhiên có những điểm chung đáng kinh ngạc liên quan tới chủ đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng Triều Tiên, bắt đầu từ bom hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tôi không thể nói nhiều hơn về vấn đề này song một chương trình nghị sự đang được đàm phán như các bạn thấy hiện nay”.
Trước đó, cùng ngày tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho rằng, Triều Tiên sẽ chỉ nên được nới lỏng các lệnh trừng phạt một khi nước này triển khai những biện pháp “không thể đảo ngược” hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Theo ông James Mattis, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ràng buộc với nhau bằng một cam kết vững chắc nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và đây là cách tốt nhất để duy trì hòa bình.
Tuy nhiên, dù thể hiện quan điểm cứng rắn, song cũng giống như phát biểu trước đó tại Singapore, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ cũng một lần nữa tránh phát biểu công khai về cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến vào ngày 12/06 tới tại Singapore vốn đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ngày 2/6 sau khi tiếp phái viên của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong Chol tại Nhà Trắng.
Theo các nhà phân tích, những phát biểu của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ là không gây bất ngờ hay đi ngược lại với những bước đi của chính quyền Mỹ thời gian qua. Đúng như ông James Mattis nói, dù đồng ý đàm phán song Mỹ và các đồng minh sẽ không từ bỏ các lập trường cơ bản của mình để luôn có thể đàm phán ở vị thế mạnh.
Sau những thất vọng xen lẫn tiếc nuối với quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy cuộc gặp lịch sử Mỹ - Triều dự kiến vào ngày 12-6 tại Singapore, cùng với Triều Tiên, Mỹ cũng đang gấp rút xúc tiến một loạt hoạt động ngoại giao con thoi, mới nhất là vòng đàm phán thứ 5 với Triều Tiên tại khu vực phi quân sự Bàn Môn Điếm. Bên cạnh đó, nguồn tin ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên, ông Ri Son-gwon, đã đến Trung Quốc để thảo luận các vấn đề hậu cần và an ninh cho cuộc gặp Thượng đỉnh.
Cùng với Mỹ và Triều Tiên, nhiều nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Bắc Á, cũng đang tích cực thúc đẩy cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ đến Washington ngày 7/6 để thảo luận với Tổng thống Donald Trump về cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov đã có chuyến thăm Triều Tiên đầu tiên kể từ năm 2009.
Trong một diễn biến liên quan được dư luận quan tâm, Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap trích một nguồn tin tình báo ngày 3/6 cho biết, chính quyền Triều Tiên cùng ngày đã có sự điều chỉnh đáng kể trong bộ máy nhân sự của mình với việc đề cử một nhân vật có lập trường ôn hòa hơn là Thứ trưởng thứ nhất của Bộ Lực lượng Vũ trang Nhân dân Triều Tiên ông No Kwang-chol, làm Bộ trưởng Quốc phòng, thay ông Park Yong-sik. Tờ báo dẫn lời một số nguồn tin tình báo cho rằng, Triều Tiên dường như đang muốn đưa những nhân tố ôn hòa mới lên trong bối cảnh diễn ra những thay đổi trong mối quan hệ liên Triều và tình hình trên Bán đảo Triều Tiên./.
Nga muốn “dẫn lối” cho Triều Tiên trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều?
4 kịch bản cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều