Mỹ lên tiếng tháo gỡ căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh
VOV.VN - Mỹ đã cảnh báo về những hậu quả không lường trước khi các nước Arab và vùng Vịnh cắt dứt quan hệ và phong tỏa với Qatar.
Trong phát biểu cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã kêu gọi các nước nới lỏng phong tỏa với Qatar, cho rằng diễn biến khủng hoảng ngoại giao chưa từng có này sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS do Mỹ dẫn đầu.
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiếp tục có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về khủng hoảng ngoại giao chưa từng có giữa Qatar với các nước Arab và vùng Vịnh trong nhiều năm qua. Cuộc điện đàm diễn ra vào cuối ngày thứ 7 theo đề xuất của phía Mỹ.
Hàng loạt quốc gia ở vùng Vịnh đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar (Ảnh minh họa: Sputnik) |
Trước đó, ông Tillerson cũng kêu gọi các nước Arab và Vùng Vịnh nới lỏng phong tỏa với Qatar, cho rằng căng thẳng hiện nay sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu. Việc các nước phong tỏa Qatar sẽ cản trở hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, khi hơn 11 nghìn binh sĩ thuộc lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đang đang đóng tại căn cứ không quân Udeid của Qatar.
Phát biểu trước báo giới, ông Tillerson kêu gọi các bên bình tĩnh và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại: “Chúng tôi hy vọng các nước sẽ ngay lập tức có hành động để hạ nhiệt tình hình, cũng như thúc đẩy những nỗ lực thiện chí để giải quyết các mối bất đồng. Mỹ kêu gọi Qatar giải tỏa mối lo ngại của các nước láng giềng.
Còn Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Baranh và Ai Cập nới lỏng phong tỏa với Qatar. Mỹ ủng hộ Kuwait đưa ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này, nhằm tiến tới loại bỏ mọi hình thức ủng hộ khủng bố về tài chính, quân sự và tư tưởng… Chúng tôi sẽ còn làm việc với nhiều nhà lãnh đạo trong khu vực về vấn đề này”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng cảnh báo về những hậu quả về nhân đạo khó lường bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar. Theo đó, Qatar đã ngay lập tức đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiều gia đình bị chia tách, trẻ em không được tiếp tục tới trường…
Ông khẳng định đây là những hậu quả không hề mong muốn, đặc biệt trong tháng lễ Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Bên cạnh đó, lệnh phong tỏa nhằm vào Qatar cũng làm suy yếu hoạt động thương mại quốc tế và của Mỹ trong khu vực này.
Trong khi đó, đồng tình với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng các biện pháp phong tỏa Qatar phải được dỡ bỏ ngay lập tức. Đề cập phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Qatar. Ông Erdogan yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa, đồng thời hối thúc Saudi Arabia khẳng định vai trò của mình nhằm thúc đẩy các quan hệ tốt đẹp trong khu vực.
Trong diễn biến mới nhất, Kuwait- nước đang nỗ lực trong vai trò hòa giải, ngày 11/6 cho biết, Qatar sẵn sàng lắng nghe những lo ngại của các nước Arập và vùng Vịnh.
Hãng thông tấn nhà nước Kuwait KUNA dẫn lời Ngoại trưởng al-Khalid al-Sabah cho biết, “người anh em Qatar đã sẵn sàng và nỗ lực để tăng cường an ninh, ổn định của khu vực”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Marốc cũng ra thông cáo báo chí tuyên bố nước này hết sức quan ngại trước căng thẳng ngoại giao hiện nay tại vùng Vịnh và sẵn sàng làm trung gian giúp giải quyết cuộc khủng hoảng này./.
Ngoại trưởng Mỹ-Thổ bàn về khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh
Mỹ chính thức can dự vào cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh