Mỹ-Nga sẽ tiếp tục căng thẳng vì vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal?
VOV.VN - Có thể Mỹ sẽ mở một chiến dịch trừng phạt Nga trong thời gian tới liên quan vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc ở Anh.
Hôm 8/8, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt các trừng phạt mới nhằm vào Nga sau khi Mỹ kết luận rằng Nga đã sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc một cựu điệp viên Nga cùng với con gái của ông này tại Anh. Động thái này của Mỹ được nhận định là có thể sẽ dẫn đến những động thái trả đũa từ phía Nga.
Trái: Cựu điệp viên Skripal (ảnh: RTR). Phải: Tổng thống Mỹ Trump (ảnh: GQ).
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố, Mỹ xác định việc Nga "sử dụng hóa chất hoặc vũ khí hóa học đã vi phạm luật pháp quốc tế". Dự kiến, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ có hiệu lực từ ngày 22/8 tới.
Trong khi đó, hãng tin NBC dẫn lời một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những biện pháp trừng phạt sẽ được thực thi thành 2 đợt. Các biện pháp trừng phạt đầu tiên được Mỹ áp dụng nhằm vào Nga vì vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh sẽ là ngừng cấp phép cho hoạt động xuất khẩu những mặt hàng an ninh nhạy cảm sang Nga. Trong quá khứ, những hoạt động xuất khẩu như vậy được cho là bao gồm cả những thiết bị và các bộ phận điện tử cũng như các thiết bị thử nghiệm và kiểm định máy dành cho ngành hàng không. Những mặt hàng xuất khẩu nói trên trước đây vẫn được xuất khẩu sang Nga trên cơ sở phê duyệt từng trường hợp.
Ngoài ra, vòng trừng phạt thứ hai sẽ có thể được tiến hành trong vòng 3 tháng tới nếu như Nga không “đưa ra được những bằng chứng đáng tin” rằng quốc gia này sẽ không sử dụng các loại vũ khí hóa học trong tương lai và chịu sự giám sát của Liên Hợp Quốc.
Cụ thể, Mỹ sẽ cho áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn như hạ thấp các mối quan hệ ngoại giao với Nga hoặc cấm hãng hàng không Aeroflot của Nga thực hiện các chuyến bay tới Mỹ cũng như cho đóng băng gần như toàn bộ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu giữa Nga-Mỹ.
Tuy nhiên, một quan chức ngoại giao giấu tên của Mỹ cho biết, nước này bãi bỏ một số biện pháp trừng phạt liên quan đến các hoạt động bay vào vũ trụ bởi có những hoạt động bay liên quan đến Mỹ và nước Mỹ phải dựa vào các hoạt động đó trong một số trường hợp.
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, Đại sứ quán Nga tại Mỹ tuyên bố, Mỹ không có bất kỳ bằng chứng nào về vai trò của Nga trong vụ đầu độc ở Salisbury tại Anh bởi vì những thông tin liên quan tới vụ việc đều bị giấu kín.
Nga lên án biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ liên quan vụ cựu điệp viên
Ông Dmitry Polyanskiy, Phó đại diện thường trực Nga tại Liên Hợp Quốc cũng chỉ trích Mỹ vô cớ trừng phạt Nga.
Trước đó, người phát ngôn điện Kremlin của Nga ông Dmitry Peskov cũng bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng rằng phía Mỹ giải thích hợp lý về trường hợp về vụ việc tại Salisbury. Chúng tôi hy vọng, vụ việc sẽ không gây ra thêm những rắc rối về chính trị giữa hai nước”.
Tháng 3 vừa qua, người ta đã phát hiện Sergei Skripal, cựu Đại tá thuộc Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU), cùng với con gái là Yulia, 33 tuổi, nằm bất tỉnh trên một chiếc ghế băng ở thành phố Salisbury, miền Nam nước Anh. Cả hai được xác định là bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.
Anh và các đồng minh phương Tây nhanh chóng đổ lỗi vụ đầu độc trên cho Nga dựa trên căn cứ chất độc được sử dụng trong vụ đầu độc là Novichok.
Bất chấp lời bác bỏ của Nga và cả lời đề nghị bắt tay điều tra chung vụ đầu độc cựu điệp viên Nga của chính quyền Tổng thống Putin, Anh đã lôi kéo, tập hợp được một liên minh hùng hậu gồm hàng chục nước tiến hành đòn trừng phạt Nga bằng cách trục xuất hơn 100 các nhà ngoại giao Nga ra khỏi đất nước của họ.
Đáp lại lời kêu gọi của Anh, hồi tháng 3, Mỹ đã trục xuất 60 viên chức ngoại giao Nga, như một phần trong phản ứng chung với các đồng minh sau cáo buộc tấn công bằng chất độc thần kinh hôm 4/3. Nga trả đũa bằng quyết định tương tự.
Nếu những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên Skripal được triển khai thì rất có thể phía Nga sẽ có những động thái tương tự đáp trả. Điều này sẽ khiến cho quan hệ giữa Nga và Mỹ tiếp tục thêm sóng gió./.