Mỹ nghi ngờ động cơ của các nước vùng Vịnh khi cô lập Qatar
VOV.VN - Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/6 đã thẳng thắn đặt câu hỏi về động cơ của các nước vùng Vịnh khi đồng loạt tẩy chay Qatar.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảm thấy “khó hiểu” khi các nước vùng Vịnh không giải thích rõ những lý do dẫn tới việc cô lập, trừng phạt Qatar ở mức độ chưa từng có như hiện nay.
Ảnh minh họa: Reuters.
Bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất về cuộc tranh chấp ở vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, càng ngày mối hoài nghi ngày càng lớn về những hành động mà Saudi Arabia, UAE áp đặt đối với Qatar.
Trong tuyên bố gửi tới Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 thành viên, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi có một câu hỏi duy nhất, liệu hành động của các nước vùng Vịnh có thực sự xuất phát từ lo ngại Qatar hỗ trợ cho khủng bố theo như cáo buộc, hay xuất phát từ những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay giữa các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh”.
Tuyên bố này của Bộ Ngoại giao Mỹ có vẻ trái ngược với những phát ngôn gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Qatar là nhà tài trợ khủng bố ở “cấp độ cao”.
Bất chấp những tuyên bố có phần nghiêng về Saudi Arabia, UAE của Tổng thống Donald Trump, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tỏ ra trung lập trong cuộc tranh chấp ở vùng Vịnh bởi cả ba nước Saudi Arabia, UAE, Qatar đều là đồng minh then chốt của Mỹ ở vùng Vịnh.
Việc Bộ Ngoại giao Mỹ thẳng thắn chất vấn các hành động cô lập Qatar của các nước vùng Vịnh (dẫn đầu là Saudi Arabia) cho thấy, Mỹ nóng lòng muốn các bên chấm dứt tranh chấp.
Sự thúc ép này của Mỹ cũng dễ hiểu bởi Qatar, “nạn nhân” của các đòn cấm vận, cô lập, tẩy chay là nơi đặt căn cứ quân sự then chốt của Mỹ, căn cứ Al Udeid, nơi đóng quân của hơn 11.000 lính Mỹ và liên quân cùng hơn 100 máy bay tham gia không kích chống IS.
Tới thời điểm này, UAE cùng với Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain tuyên bố có thể kéo dài các lệnh cấm vận trong nhiều năm cho tới khi Qatar chấp nhận các yêu sách mà các cường quốc sẽ công bố trong vài ngày tới.
Tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Qatar vẫn chưa có động thái nhượng bộ, một mặt tìm cách nhập khẩu hàng hóa lương thực bù đắp phần thiếu hụt do các nước láng giềng cấm giao thương, một mặt giữ nền kinh tế trụ vững nhờ nằm ở rốn dầu của thế giới.
Ngoại trưởng Qatar (dự kiến đi thăm Washington vào tuần tới) tuyên bố sẽ không thương lượng với các nước láng giềng để giải quyết tranh chấp, chừng nào nếu các nước này chưa bãi bỏ các lệnh cấm vận đi lại mà họ áp đặt từ 2 tuần trước. Qatar bác bỏ cáo buộc nước này hỗ trợ tài chính cho khủng bố, gây bất ổn cho khu vực hay quá thân với Iran (kẻ thù của nhiều nước trong khu vực).
Giới chức Mỹ hối thúc Qatar có bước đi nhằm xoa dịu khủng hoảng, trong đó yêu cầu thực hiện đề xuất của Bộ Tài chính Mỹ tăng cường kiểm soát chống việc tài trợ cho các nhóm phiến quân.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng thừa nhận, sẽ là thiếu chuẩn xác nếu chỉ cáo buộc Qatar, bởi Saudi Arabia, UAE cũng ít nhiều liên quan đến các hoạt động tài trợ cho các nhóm cực đoan ở khu vực.
Một số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đã bị đẩy lên cao bởi sự cạnh tranh kinh tế, những lý do lịch sử và động cơ cá nhân của các nhà lãnh đạo khu vực hơn là những cáo buộc chính thức mà các nước vùng Vịnh đưa ra đối với Qatar./.
Khủng hoảng Qatar: Danh sách khủng bố “đổ thêm dầu vào lửa”