Mỹ, Nhật Bản chưa đạt đột phá trong đàm phán TPP
Thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nhật Bản được đánh giá là "sống còn" đối với TPP.
Giữa Mỹ và Nhật Bản hiện vẫn tồn tại nhiều bất đồng và khó có thể đạt được bước đột phá về đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ vào tuần tới của Thủ tướng Shinzo Abe.
Bà Caroline hy vọng trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Abe, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận về những bước đi cụ thể tiếp theo.
Mặc dù triển vọng về thỏa thuận song phương vẫn chưa rõ ràng, song việc một số ủy ban của hai viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật "Quyền thúc đẩy thương mại" (TPA) đã nhận được những phản ứng tích cực của các nhà lập pháp hai đảng, bất chấp sự phản đối của một số nghị sỹ Dân chủ do lo ngại TPP sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của tầng lớp trung lưu Mỹ.
Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua TPA vào đầu tháng Năm tới, trong khi các đại diện thương mại của 12 nước tham gia đàm phán TPP sẽ nhóm họp vào cuối tháng.
Theo nhận định của giới quan sát, nhiều khả năng TPP sẽ là một trong những nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của Thủ tướng Abe tại các cuộc trao đổi với giới chức Mỹ trong các ngày từ 26/4-3/5.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước, gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thoả thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013. Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
Thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Nhật Bản được đánh giá là "sống còn" đối với TPP vì hai nền kinh tế này gộp lại chiếm khoảng 80% sản lượng của toàn khối TPP./.