Mỹ-Nhật-Hàn thành lập nhóm mới giám sát lệnh trừng phạt Triều Tiên
VOV.VN - Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 16/10 đã công bố thành lập một nhóm đa quốc gia mới để giám sát việc thực thi lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
Cơ chế này có tên là “Nhóm giám sát lệnh trừng phạt đa phương”, được đề xuất thành lập sau khi Nga hồi tháng 3 từ chối gia hạn hàng năm cho một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên trong 15 năm qua. Ngoài ra, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.
Chính quyền Hàn Quốc cho biết nhóm này sẽ tiếp tục thực hiện công việc của nhóm giám sát Liên Hợp Quốc, bao gồm việc ban hành các báo cáo thường kỳ về việc thực thi lệnh trừng phạt và sẽ có sự tham gia của 8 quốc gia khác bao gồm Anh, Pháp và Đức.
Việc ra mắt nhóm giám sát mới đã được công bố tại một cuộc họp báo chung tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, với sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hong-kyun và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Masataka Okano, cùng với các đại sứ của 8 quốc gia khác.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Kim Hong-kyun phát biểu tại cuộc họp báo nhấn mạnh, nhiều cuộc thảo luận về cách xây dựng một hệ thống giám sát hiệu quả có thể thay thế cho nhóm của Liên Hợp Quốc, thì các trường hợp Triều Tiên vi phạm lệnh trừng phạt vẫn tiếp tục xảy ra. Do đó, ông khẳng định không nên trì hoãn việc “lấp đầy khoảng trống” trong việc giám sát.
Trước đó, hoạt động giám sát của ban chuyên gia Liên Hợp Quốc về việc thực hiện các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đã kết thúc vào cuối tháng Tư. Việc Nga sử dụng quyền phủ quyết sẽ không làm mất những biện pháp trừng phạt, nhưng sẽ khiến nhóm giám sát không thể tiếp tục công việc theo dõi xem có hành vi nào vi phạm hay không.
Triều Tiên chịu nhiều biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ năm 2006 vì chương trình phát triển hạt nhân. Từ năm 2019, Nga và Trung Quốc cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an nới lỏng trừng phạt Triều Tiên. Hiện không có thời hạn nào đặt ra cho việc áp dụng các lệnh này.