Mỹ phản ứng sau khi Ai Cập thông qua Hiến pháp
(VOV) -Tương lai dân chủ của Ai Cập phụ thuộc vào việc các phe phái chính trị đạt được nhận thức chung về các nguyên tắc dân chủ mới.
Ngày 26/12, Chính phủ Mỹ kêu gọi Tổng thống Mohamed Mursi gánh vác trách nhiệm thúc đẩy đối thoại dân tộc nhằm giải quyết các bất đồng giữa các phe phái chính trị trong nước. Lời kêu gọi được đưa ra ngay sau khi Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập xác nhận gần 64% cử tri Ai Cập tham gia 2 đợt trưng cầu dân ý vừa qua đã ủng hộ bản dự thảo Hiến pháp mới nhiều tranh cãi.
Ai Cập kiểm tra kết quả bỏ phiếu ở Bani Sweif (Ảnh: Reuters) |
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói rằng, tương lai dân chủ của Ai Cập phụ thuộc vào việc các phe phái chính trị đạt được nhận thức chung về các nguyên tắc dân chủ mới. Tổng thống Mursi có một trách nhiệm “đặc biệt”, đó là trong quá trình thúc đẩy tiến trình chính trị, cần phải giành được sự tín nhiệm và ủng hộ rộng rãi của mọi tầng lớp dân chúng.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý do Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập công bố cho thấy, tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý là 32,9%, trong đó, tổng số người bỏ phiếu thuận là 63,8% còn số người bỏ phiếu chống là 36,2%. Kết quả này trùng khớp với số liệu công bố trước đó của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Tuy nhiên, phe đối lập phản đối kết quả cuộc trưng cầu dân ý.
Ai Cập đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ khi Tổng thống Mursi đắc cử, sau khi Hội đồng Lập hiến do phong trào Anh em Hồi giáo chiếm đa số đã thông qua dự thảo Hiến pháp mới hồi tháng trước.
Theo giới quan sát khu vực, việc dự thảo Hiến pháp mới được thông qua sẽ không giúp Ai Cập chấm dứt được bế tắc chính trị hiện nay mà ngược lại sẽ càng châm ngòi cho các hoạt động phản đối bùng nổ mạnh mẽ hơn./.