Mỹ tăng cường các biện pháp ứng phó với biến chủng Delta
VOV.VN - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/7 thông báo sẽ triển khai các nhóm ứng phó Covid-19 trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ.
Jeff Zients, quan chức điều phối ứng phó với Covid-19 của Nhà Trắng cho biết, các nhóm này sẽ bao gồm các quan chức thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và các cơ quan liên bang khác. Các nhóm này sẽ phối hợp với các khu vực có rủi ro cao về bùng phát lây nhiễm đồng thời tập trung thúc đẩy tỷ lệ tiêm phòng Covid-19. Các hoạt động khác bao gồm tăng cường xét nghiệm để sớm phát hiện virus, truy vết tiếp xúc và điều trị cho những người mắc bệnh. Theo ông Jeff Zients, chính phủ liên bang sẵn sàng cung cấp thêm nhân sự để hỗ trợ công việc của các nhóm công tác này.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky cho biết, hiện có 1.000 hạt ở miền Nam và Trung Tây nước Mỹ có tỷ lệ tiêm phòng dưới 30% và những khu vực này có rủi ro lây nhiễm biến chủng Delta cao nhất. 26% các ca mắc Covid-19 ở Mỹ xét nghiệm dương tính với biến chủng Delta và Tiến sỹ Anthony Fauci đã gọi đây là mối đe dọa lớn nhất cho nỗ lực dập tắt dịch bệnh Covid-19 của Mỹ.
Biến chủng Delta được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện tại ít nhất 96 quốc gia và dự kiến sẽ là chủng chủ đạo ở Mỹ. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hơn 181 triệu người, tương đương 54,6% dân số Mỹ, đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19. Hơn 155 triệu người ở Mỹ đã được tiêm phòng đầy đủ. Tổng thống Joe Biden đã đặt mục tiêu 70% người Mỹ trưởng thành được nhận ít nhất 1 liều vaccine trước ngày Quốc khánh 4/7, tuy nhiên, mục tiêu này sẽ không thể đạt được do tốc độ tiêm phòng đã giảm trong thời gian qua./.