Mỹ tăng viện trợ cho Ukraine: Liệu có đổ thêm dầu vào lửa?
VOV.VN - Xung đột giữa Nga – Ukraine có những dấu hiệu leo thang sau khi Ukraine tiếp tục nhận được cam kết hỗ trợ “mạnh tay” từ phía Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin tăng cường “đe dọa hạt nhân”.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga, đồng thời cam kết sẽ đảm bảo rằng toàn bộ khoản tài trợ trị giá khoảng 8 tỷ USD đã được phê duyệt cho Ukraine cho đến nay sẽ được giải ngân trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1/2025.
Bên cạnh đó, lần đầu Mỹ cung cấp cho Ukraine bom lượn dẫn đường chính xác JSOW với tầm bắn 130 km. Chúng được cho là có thể giúp tiêm kích Ukraine cải thiện khả năng tấn công mục tiêu và hạn chế nguy cơ bị phòng không đối phương bắn hạ.
Khẳng định về những cam kết mà Tổng thống Joe Biden, Phó tổng thống Kamala Harris, đồng thời là ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ cho biết sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine: "Mỹ không thể và không nên cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới. Cô lập không phải là cách ly. Vì vậy, Mỹ hỗ trợ Ukraine không phải vì lòng từ thiện, mà vì lợi ích chiến lược của chúng ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh mà Ukraine cần để thành công trên chiến trường".
Những ủng hộ mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine cũng được cho là thách thức lớn nhất đối với một tiến trình hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bởi lẽ, Nga sẽ đưa ra những phản ứng mạnh mẽ để đáp trả, thậm chí còn có thể biến thành nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Nga Putin hôm 25/9 đã phát đi tín hiệu răn đe đến các bên khi đưa ra đề xuất về việc thay đổi các quy tắc và điều kiện tiên quyết để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga sẽ coi “hành động khiêu khích chống lại nước này của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân” là một cuộc tấn công chung vào Nga và vượt ngưỡng hạt nhân.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 26/9 cho biết loạt đề xuất sửa đổi học thuyết hạt nhân do Tổng thống Putin đưa ra nên được coi là lời cảnh báo của Nga: “Đây nên được coi là một tín hiệu rõ ràng. Đây là tín hiệu cảnh báo các quốc gia về hậu quả trong trường hợp tham gia vào một cuộc tấn công vào Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau và không nhất thiết phải là vũ khí hạt nhân".
Giới chuyên gia đánh giá, quyết định thay đổi học thuyết hạt nhân chính là câu trả lời của Nga trước các cuộc thảo luận của Mỹ và phương Tây về việc có nên cho phép Ukraine dùng tên lửa của phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga hay không. Hiện chưa rõ thời điểm khi nào những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga có hiệu lực. Song Mỹ và Phương Tây cũng cần có sự cân nhắc thận trọng. Nếu một khi quyết định của Mỹ và phương Tây được đưa ra sẽ kéo theo nhiều rủi ro và hậu quả sẽ khôn lường.