Mỹ thay đổi cách tiếp cận với Cuba và những hệ lụy khó lường
VOV.VN - Việc thay đổi chính sách của Washington đối với Cuba được cho là bước thụt lùi đáng kể đối với quan hệ hai nước và bị dư luận thế giới phản đối.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố bãi bỏ một số chính sách đối với Cuba và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Theo đó, Mỹ sẽ siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân.
Ảnh minh họa: AP
Mặc dù chính sách mới của Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao giữa hai nước, duy trì hoạt động của hai đại sứ quán, cũng như cho phép các hãng hàng không và vận tải biển của Mỹ khai thác dịch vụ tới đảo quốc Caribe này, nhưng động thái mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump rõ ràng là một bước thụt lùi đáng tiếc và chắc chắn nó sẽ tạo một rào cản không nhỏ với mối quan hệ song phương.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không quá bất ngờ
Việc tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm đối với Cuba là nhằm thực hiện lời hứa trong quá trình tranh cử của mình. Ông Trump nói rằng, chính người dân Cuba (chứ không phải quân đội Cuba và các công ty trực thuộc), mới là đối tượng xứng đáng được hưởng những lợi ích từ việc Washington tăng cường quan hệ với La Habana.
Trên tinh thần đó, Mỹ quyết định thay đổi những chính sách với Cuba từ thời chính quyền tiền nhiệm, theo đó siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân.
Nhà Trắng cũng đã công bố văn bản Chỉ đạo Chính sách của Tổng thống gồm 5 điểm, trong đó nhấn mạnh Chính phủ Mỹ quyết định điều chỉnh chính sách với Cuba “vì lợi ích then chốt của an ninh quốc gia và bày tỏ sự đoàn kết với người dân Cuba”.
Tổng thống Donald Trump hối thúc Chính phủ Cuba thực thi “các bước cải cách cụ thể” trước khi cải thiện hơn nữa quan hệ song phương, đồng thời khẳng định mọi thay đổi trong quan hệ giữa Washington và La Habana sẽ phụ thuộc vào những tiến triển thật sự trong quá trình đáp ứng các tiêu chí này.
Quyết định thay đổi chính sách này nhằm gây sức ép buộc Cuba phải thay đổi hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội bao gồm cả quá trình cập nhật mô hình kinh tế - xã hội theo mong muốn của chính quyền Mỹ, mặc dù ngay sau đó quyết định này đã vấp phải sự chỉ trích và phản đối mạnh mẽ ngay từ nội bộ nước Mỹ và cộng đồng thế giới.
Trở ngại mới trong quan hệ Mỹ - Cuba
Bước “thụt lùi” trong xu thế phát triển
Theo các chuyên gia phân tích, động thái mới của chính quyền Trump rõ ràng là một bước thụt lùi “đáng tiếc” trong xu thế phát triển của quan hệ song phương Mỹ-Cuba thời gian qua. Việc điều chỉnh chính sách với chính quyền La Habana giúp Tổng thống Trump hiện thực hóa một trong những cam kết mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, chính sách mới của Nhà Trắng sẽ dựng lên nhiều rào cản không hề nhỏ đối với quan hệ song phương Mỹ-Cuba nói riêng và quan hệ giữa Mỹ với khu vực châu Mỹ và Mỹ-latinh nói chung trong thời gian tới.
Với quyết định này, Washington một lần nữa lại quay lại với những biện pháp ngăn cấm trong quá khứ, chính sách không chỉ gây ra thương tổn và tước đoạt nhiều quyền lợi của nhân dân Cuba và cản trở nền kinh tế của đảo quốc này phát triển bình thường, mà còn ảnh hưởng tới chủ quyền và quyền lợi của nhiều nước khác, và do đó từng bị quốc tế lên án.
Những biện pháp mà người đứng đầu Nhà Trắng vừa nêu cũng đặt ra những rào cản mới cho những cơ hội vốn đã rất hạn chế của giới doanh nghiệp Mỹ muốn có quan hệ thương mại với Cuba, cản trở quyền đi lại của công dân Mỹ tới Cuba và đi ngược lại sự ủng hộ của đại đa số dư luận Mỹ, kể cả cộng đồng kiều dân Cuba tại Mỹ, đối với việc dỡ bỏ cấm vận chống Cuba”.
Quyết định của ông Donald Trump đã cho thấy rõ sự khác biệt về quan điểm và chính sách đối với Cuba so với người tiền nhiệm. Trong khi cựu Tổng thống Obama muốn "chôn vùi tàn tích cuối cùng của Chiến tranh Lạnh" và "bỏ lại phía sau cuộc chiến ý thức hệ trong quá khứ", thì Tổng thống Trump dường như đang tìm cách “làm sống lại” những bất đồng đó và đi theo một chiến lược đã được chứng minh là thất bại trong quá khứ.
Tròn 1 năm Mỹ-Cuba cải thiện quan hệ: Lệnh cấm vận vẫn phủ bóng
Không dễ thay đổi một quyết định mới đưa ra
Rất nhiều nghị sỹ Mỹ, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Donald Trump thay đổi quyết định của mình đối với Cuba. Tuy nhiên, điều này là rất khó thực hiện vì thứ nhất, việc một tổng thống thay đổi quyết định ngay sau khi tuyên bố là hầu như không thể.
Thứ hai, ông Trump là nhà kinh tế, ông muốn dùng sức ép, các biện pháp cứng rắn để đạt được điều mình muốn, nhưng Cuba không giống các nước đồng minh của Mỹ, nước này cũng luôn kiên định trong chính sách đối với Mỹ, do đó sẽ không nhượng bộ bằng mọi giá để chính quyền Tổng thống Trump thay đổi chính sách mặc dù là Cuba vẫn chủ trương đối thoại với Mỹ.
Trước mắt, chắc chắn bản thân Tổng thống Trump sẽ không thay đổi quyết định của mình, trừ khi quốc hội phản đối, nhưng với việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát thì việc đó sẽ không dễ xảy ra. Về lâu dài, vẫn có khả năng có thay đổi trong chính sách đối với Cuba, nhưng ngay lập tức thì hoàn toàn không thể.
Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 2014, Mỹ và Cuba đã có những bước hợp tác với nhiều kết quả đáng ghi nhận, đem lại lợi ích cho cả 2 bên. Đó là điều chẳng dễ gì có được sau hơn nửa thế kỷ đối địch giữa hai nước.
Dư luận mong rằng hai nước sẽ đối thoại để hàn gắn quan hệ song phương, bởi nếu đi ngược lại xu thế chung toàn cầu là hợp tác và phát triển, thì sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường./.
Cuộc gặp lịch sử Mỹ-Cuba: Dấu mốc tượng trưng của hòa giải