Mỹ thay đổi chính sách tái cân bằng ở châu Á-TBD?
(VOV) - Mỹ coi tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương là mục tiêu dài hạn, còn mục tiêu trước mắt là giải quyết vấn đề Trung Đông.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang có chuyến công du kéo dài 11 ngày tới 9 nước đồng minh thân cận của Washington tại châu Âu và Trung Đông, bao gồm Anh, Đức, Pháp, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar. Chương trình nghị sự của ông Kerry sẽ xoay quanh cuộc khủng hoảng tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran và xung đột giữa Israel và Palestine.
Việc tân Ngoại trưởng Mỹ chọn châu Âu và vùng Vịnh cho chuyến công du đầu tiên đang tạo nên mối hoài nghi về chính sách tái cân bằng, lấy châu Á làm trọng tâm của chính quyền Obama.
Sau Anh, ngày 25/2, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Đức trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài 11 ngày tới 9 nước đồng minh thân cận của Washington tại châu Âu và Trung Đông (Ảnh: Reuters) |
Sau 4 năm tập trung vào châu Á, nơi được coi là ẩn chứa những thách thức cũng như cơ hội lớn nhất đối với Mỹ, chính quyền Obama đang gửi đi thông điệp cho thấy Washington muốn củng cố lại mối quan hệ đồng minh với một số cường quốc châu Âu vốn bị sao nhãng dưới thời Ngoại trưởng Hillary Clinton.
Theo một số nhà phân tích, những diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông trong thời gian qua đã buộc Tổng thống Obama thừa nhận sự cần thiết phải tìm kiếm sự hậu thuẫn của các đồng minh truyền thống. Tại Hội nghị An ninh tại Munich (Đức) cách đây 3 tuần, Phó Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ luôn coi châu Âu là nền tảng trong chính sách can dự của Washington với thế giới, đồng thời là chất xúc tác đối với hợp tác toàn cầu của Mỹ.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, chuyến thăm hiện nay của ông John Kerry chỉ nhằm mục đích tham khảo ý kiến của các đồng minh về tình hình khu vực Trung Đông. Bà Nuland cho biết, sau khi hội đàm với các quan chức cấp cao của Anh, Đức và Pháp, Ngoại trưởng Kerry sẽ gặp đại diện lực lượng đối lập Syria tại Italy nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khiến gần 70.000 người dân Syria thiệt mạng trong 2 năm qua.
Ông Kerry cũng sẽ cùng Ngoại trưởng các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga đối thoại với các quan chức Iran tại Kazakhstan về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Teheran. Tại vùng Vịnh, tân Ngoại trưởng Kerry sẽ tìm kiếm sự dung hoà trong quan điểm giữa phương Tây và các đồng minh trong khu vực về các vấn đề trên.
Việc ông John Kerry quyết định chọn châu Âu và Trung Đông làm điểm đến trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng đang khiến không ít người nghi ngờ chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á. Ngay sau khi tái đắc cử vào tháng 11/2012, Tổng thống Obama đã thăm 3 nước Đông Nam Á trong khi Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ Thomas Donilon sau đó cũng tái khẳng định cam kết chuyển trọng tâm chính sách từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương.
Trước nghi ngại trên, bà Victoria Nuland khẳng định Ngoại trưởng Kerry sẽ thăm châu Á trong tương lai gần. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ không từ bỏ chiến lược tái cân bằng mà sẽ chuyển thành chiến lược dài hạn do một số nguyên nhân. Thứ nhất là cuộc xung đột ngày càng đẫm máu tại Syria, mối đe doạ hạt nhân từ Iran, mâu thuẫn dai dẳng giữa Israel và Palestine và hệ luỵ của "Mùa xuân Arab" khiến Mỹ không thể an tâm với Trung Đông để tập trung nguồn lực vào châu Á trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, quốc phòng cho đến an ninh, kinh tế.
Một trở ngại lớn nữa là nguy cơ cắt giảm ngân sách của chính phủ Mỹ. Nếu cơ chế cắt giảm ngân sách tự động bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 3 tới theo đúng lịch trình, Washington sẽ khó lòng bảo đảm nguồn tài chính cần thiết cho chính sách trên, khi mà ngay cả một bộ phận công chức chính phủ Mỹ cũng sẽ buộc phải nghỉ phép không lương.
Giới phân tích nhận định, chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry cho thấy mục tiêu trước mắt trong chính sách đối ngoại của Mỹ là tăng cường quan hệ với các đồng minh châu Âu để giải quyết các vấn đề nóng tại Trung Đông, trong khi tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương sẽ là mục tiêu dài hạn.
Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương được đánh giá là nhân tố tối quan trọng đối với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và kinh tế của Mỹ. Rất nhiều đồng minh thân cận và lâu đời nhất của Washington nằm tại châu Âu với NATO là hòn đá tảng cho an ninh khu vực suốt 64 năm qua, trong khi kinh tế châu Âu và Mỹ hiện chiếm gần một nửa kinh tế toàn cầu. Ngoài an ninh và chính trị, một trong những sứ mệnh của Ngoại trưởng John Kerry lần này là thúc đẩy Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong bối cảnh cả Mỹ và châu Âu đều đang vật lộn với những khó khăn kinh tế. Trong Thông điệp Liên bang vừa qua, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh tới quá trình đàm phán TTIP để thành lập khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Ngoại trưởng Kerry đã mô tả hiệp định này là một thoả thuận lịch sử, giúp 2 bên có khả năng nâng cao các tiêu chuẩn, và tạo thêm nhiều việc làm và thúc đẩy đầu tư.
Như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Victoria Nuland đã tuyên bố, chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry chỉ mang tính "lắng nghe" nên khó có thể kỳ vọng vào những đột phá nào đáng kể. Dù vậy, ông Kerry có vẻ như đã gặt hái được những thành quả đầu tiên trong chặng dừng chân tại Anh với một số cam kết quan trọng của London. Tại cuộc hội đàm với ông Kerry ngày 25/2, Ngoại trưởng Anh, William Hague khẳng định London sẽ nỗ lực hết mình để huy động EU và các nước Arab tham gia vào những bước đi mang tính quyết định đối với tiến trình hoà bình Trung Đông. Anh cũng cam kết tăng cường hỗ trợ cho lực lượng đối lập tại Syria và ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Iran. Ngoại trưởng Hague tái khẳng định sự ủng hộ đối với Hiệp định TTIP để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle đã gọi chuyến thăm của ông Kerry là một "tín hiệu xuyên Đại Tây Dương quan trọng".
Dù khởi đầu khá suôn sẻ nhưng hành trình của Ngoại trưởng Mỹ đang dần trở nên chông gai hơn do phe đối lập Syria tuyên bố tẩy chay cuộc họp tại Roma để phản đối động thái mà họ cho là thiếu tích cực của các bên liên quan. Ngoài ra, Iran vừa tuyên bố phát hiện thêm một mỏ uranium và sẽ lắp đặt 16 máy ly tâm mới, dội một gáo nước lạnh vào hy vọng về một kết quả tích cực tại cuộc họp tại Kazakhstan./.