Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ tranh cãi gay gắt về vai trò của người Kurd ở Syria
VOV.VN- Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/2 cáo buộc số vũ khí mà Mỹ cung cấp cho người Kurd ở Syria đã được sử dụng để gây ra vụ khủng bố tại Ankara.
Theo Reuters, đáp lại, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Mỹ “không hề cung cấp vũ khí cho Đơn vị Tự vệ Dân quân người Kurd (YPG)”. Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với ngươì đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan để chia buồn sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Ankara ngày 17/2.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ở Ankara. Ảnh Reuters |
Trong khi Washington coi lực lượng chiến binh người Kurd ở Syria là một đồng minh hữu ích để chống lại IS thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi đây là một tổ chức khủng bố có liên hệ với phiến quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang dâng cao nhất là trong bối cảnh Mỹ đang theo đuổi một cuộc đàm phán với lực lượng chiến binh người Kurd nhằm thực hiện việc “chấm dứt những hành động thù địch”.
Sau vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc YPG thực hiện vụ này khiến 27 binh sĩ và 1 dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, một nhóm chiến binh người Kurd tại nước này đã đứng ra nhận trách nhiệm vụ này và đe dọa sẽ thực hiện nhiều vụ tấn công khác.
Trước khi có cuộc điện đàm với ông Obama, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố, ông rất buồn vì phương Tây không chịu coi lực lượng chiến binh người Kurd ở Syria là một tổ chức khủng bố.
Theo ông Erdogan, điều này lý giải được việc số vũ khí mà Mỹ viện trợ cho lực lượng này đã được sử dụng như thế nào: “Tôi sẽ nói với ông ấy, hay nhìn xem số vũ khí mà các ông cung cấp rơi vào tay ai và được sử dụng như thế nào”.
“Nhiều tháng trước, trong cuộc gặp với ông Obama, tôi đã nói rằng, một nửa số vũ khí mà Mỹ cung cấp chở đầy trong 3 chiếc máy bay đã rơi vào tay của IS và phần còn lại vào tay PYD”, ông Erdogan nói.
“Số vũ khí này được sử dụng để chống lại ai? Chúng được sử dụng để tấn công dân thường và khiến họ thiệt mạng”, vẫn theo ông Erdogan.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 18/2 tuyên bố, Mỹ không coi YPG là một tổ chức khủng bố và Mỹ không xác nhận hay bác bỏ cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ rằng YPG đã gây ra vụ tấn công ở Ankara.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt việc nã pháo vào các vị trí của YPG. Bản thân YPG cũng đã tuyên bố họ không thực hiện vụ tấn công ở Ankara và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng vụ này để lý giải cho việc họ leo thang các hoạt động quân sự ở phía Bắc Syria.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng cáo buộc Mỹ “tiền hậu bất nhất” trong những tuyên bố của mình về lực lượng người Kurd tại Syria.
Ông Cavusoglu cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng nói với ông rằng, lực lượng phiến quân người Kurd là không thể tin cậy.
“Tuy nhiên, nếu theo dõi những tuyên bố gần đây của Mỹ, chúng tôi nhận thấy quan điểm của họ rất mâu thuẫn với nhau. Tôi rất mừng khi ông John Kerry ngày 19/2 tuyên bố rằng quan đểm của ông ấy về YPG đã phần nào đó thay đổi”, ông Cavusoglu nói./.