Mỹ thừa nhận bỏ lỡ cánh cửa thúc đẩy đàm phán hòa bình ở Ukraine
VOV.VN - Các quan chức Mỹ nhận định với Politico rằng họ đã "bỏ lỡ cánh cửa" thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Họ thừa nhận, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã đưa ra đánh giá hợp lý khi ông dự đoán về khả năng chiến thắng ảm đạm của Kiev
Hơn 2 tháng kể từ khi tiến hành phản công, Ukraine đã không thể giành được các khu vực quan trọng ở Zaporozhye và theo Bộ Quốc phòng Nga, Kiev đã tổn thất ít nhất 43.000 binh lính và gần 5.000 trang thiết bị trong quá trình trên. Mặc dù chính phủ Ukraine khẳng định có thể giành lại các vùng lãnh thổ bằng vũ lực nhưng Washington ngày càng không chắc chắn về việc này.
"Chúng tôi có lẽ đã bỏ lỡ cánh cửa thúc đẩy các cuộc đàm phán trước đó. Ông Milley đã đúng", một quan chức Mỹ nhận định với Politico.
Phát biểu tại New York vào tháng 11 năm ngoái, ông Milley đánh giá Ukraine không thể đạt được chiến thắng về mặt quân sự và Ukraine có thể sử dụng khoảng thời gian tạm dừng giao tranh vào mùa đông để đàm phán với Moscow cũng như tránh tiếp tục tổn thất.
Bình luận của ông Milley đã làm dấy lên phản ứng giận dữ của Kiev và gây ra sự hoang mang trong Nhà Trắng, vốn đang thúc đẩy việc tái đảm bảo với giới lãnh đạo Ukraine rằng Washington sẽ ủng hộ các mục tiêu cao nhất của Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong đó có giành lại Crimea.
Truyền thông đưa tin, Washington chia rẽ về ý tưởng đàm phán hòa bình từ năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken bác bỏ việc đàm phán, trái với mong muốn của một số thành viên trong các cơ quan quân sự và tình báo. Sự chia rẽ này vẫn tiếp diễn khi Ukraine bắt đầu tiến hành cuộc phản công với các bài báo cho thấy, bất chấp sự lạc quan của ông Biden và ông Blinken, Lầu Năm Góc hiểu Kiev chưa sẵn sàng cho chiến dịch này trong khi CIA dự đoán nó sẽ thất bại.
Thái độ không mấy lạc quan đang lan rộng trong Nhà Trắng, một quan chức Mỹ giấu tên nhận định với Politico, cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang phải tự tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Nếu chúng ta thừa nhận sẽ không tiếp tục làm điều này mãi mãi thì chúng ta sẽ phải làm gì?"
Ông Milley vẫn tiếp tục đề xuất giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
"Nếu tình trạng kết thúc là Ukraine trở thành một quốc gia tự do, độc lập và có chủ quyền với các vùng lãnh thổ còn nguyên vẹn thì điều đó sẽ mất một thời gian rất dài nhưng bạn cũng có thể đạt được các mục tiêu này có lẽ là qua một vài phương tiện ngoại giao", ông Milley nhận định với Washington Post tuần này.
Trong khi đó, Điện Kremlin khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng đều phải công nhận "thực tế lãnh thổ mới", đó là các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye sẽ không được nhượng lại cho Ukraine.