Mỹ tích cực theo đuổi thành lập nhà nước Palestine độc lập và “dập lửa” Gaza
VOV.VN - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 31/1a cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tích cực theo đuổi mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.
Ông Matthew Miller nhấn mạnh việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập là cách tốt nhất để đem lại hòa bình cho khu vực. Mỹ sẽ tích cực hợp tác với các đối tác và đồng minh để thực hiện điều này trên cơ sở vấn đề an ninh của Israel phải thực sự được đảm bảo. Bên cạnh đó, ông Miller cũng nhắc lại quan điểm của Mỹ về việc nước này phản đối bất kì hành động cắt giảm hoặc chiếm đoạt vùng đất nào tại dải Gaza.
“Chúng tôi đang tích cực theo đuổi việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, với những đảm bảo an ninh thực sự cho Israel, bởi vì chúng tôi tin rằng đó là cách tốt nhất để mang lại hòa bình và an ninh lâu dài cho cả người Israel, người Palestine và cho khu vực”.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã yêu cầu Bộ Ngoại giao tiến hành đánh giá và đưa ra các lựa chọn chính sách về khả năng Mỹ và cộng đồng quốc tế công nhận Nhà nước Palestine sau khi cuộc chiến ở Gaza kết thúc. Trong khi Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm thứ Ba cho biết chính phủ Anh và các đồng minh cũng đang xem xét việc công nhận một nhà nước Palestine độc lập và sẽ ủng hộ giải pháp này ở Liên Hợp Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cuối tuần này sẽ trở lại Trung Đông trong chuyến thăm khu vực lần thứ 5 kể từ khi xung đột tại Gaza nổ ra hồi tháng 10/2023. Những cuộc giao tranh ngày càng leo thang giữa Israel và lực lượng Hamas đang khiến tình hình địa chính trị Trung Đông vô cùng căng thẳng, với một loạt điểm nóng mới xuất hiện. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng, nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn diện ở khu vực có thể bùng nổ từ “mồi lửa” xung đột Gaza.
Trong một thông báo, Nhà Trắng cho biết, Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Trung Đông vào cuối tuần này như một phần nỗ lực của Mỹ nhằm chuẩn bị cho việc tái thiết và quản lý Gaza hậu xung đột, tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường Palestine, cũng như giải phóng các con tin còn bị Hamas bắt giữ và ngăn chặn chiến tranh lan rộng.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Thời báo New York, Mỹ hồi đầu tuần này cho biết, một thoả thuận có thể được ký kết trong 2 tuần tới dưới sự trung gian của Mỹ. Theo đó, Israel sẽ đình chỉ cuộc chiến ở Gaza trong khoảng hai tháng để đổi lấy việc thả hơn 100 con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ.
Dù không xác nhận thông tin, song Ngoại trưởng Mỹ Blinken mới đây đã tự tin rằng những đề xuất mà nước này đưa ra là mạnh mẽ và có tính thuyết phục: "Trong vòng đàm phán đầu tiên, cùng với các đối tác ở Qatar và Ai Cập, chúng tôi đã có thể đạt được thỏa thuận giúp dẫn đến việc thả hơn 100 con tin. Và tôi tin rằng, với nỗ lực của tất cả các bên, với sự hoà giải tích cực của Qatar và Ai Cập, đề xuất mới sẽ một lần nữa mang lại cho chúng ta hi vọng. Tôi chỉ có thể nói rằng, đây là một đề xuất mạnh mẽ và có tính thuyết phục.”
Sau nhiều nỗ lực ngoại giao không thành công, Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực theo 3 hướng nhằm ngăn chặn “mồi lửa” căng thẳng tại Gaza lan rộng. Song song với việc thuyết phục các bên ngừng bắn, nước này cũng cùng với các đối tác khu vực thảo luận về việc cải cách chính quyền Palestine và thúc đẩy giải pháp 2 nhà nước giữa Israel và Palestine.
Trong loạt cuộc đàm phán được đánh giá là tham vọng nhất, chính quyền Tổng thống Biden đã khôi phục các cuộc thảo luận về một thoả thuận ba bên nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Israel và Saudi Arabia. Tuy nhiên, cả 3 tiến trình này đều được dự báo là khó khăn và lâu dài. Bởi trở ngại lớn nhất hiện nay là việc Chính phủ Israel tới nay vẫn giữ nguyên lập trường phản đối giải pháp 2 nhà nước. Trong khi đó tình trạng giao tranh tiếp diễn tại dải Gaza khiến các nỗ lực thuyết phục Hamas từ bỏ quyền kiểm soát vùng lãnh thổ Palestine này cũng trở nên khó khăn hơn.
Một cuộc chiến tranh toàn diện tại Trung Đông là điều không ai muốn. Tuy nhiên trong bối cảnh ngoại giao bế tắc, mọi mồi lửa dù là nhỏ cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lan rộng. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua cảnh báo vòng luẩn quẩn của bạo lực và bất ổn kéo dài trong những tháng vừa qua đã biến dải Gaza trở thành vùng đất của chết chóc và tuyệt vọng. Cách duy nhất để phá vỡ vòng xoáy này vẫn là thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để các bên ngừng giao tranh, giải quyết những thách thức an ninh chung nhằm hướng tới một giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài:
“Chỉ có giải pháp hai nhà nước dựa trên đường ranh giới năm 1967 mới có thể đảm bảo việc thực hiện các quyền không thể xâm phạm của người dân Palestine, cũng như hoà bình và ổn định lâu dài trong khu vực. Đó là hai nhà nước Israel và Palestine cùng chung sống trong hoà bình và an ninh, với Jerusaem là thủ đô của cả hai quốc gia, phù hợp với các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký trước đó. Cộng đồng quốc tế không được phép dao động đối với các cam kết của mình”.