Mỹ tố Trung Quốc dùng chiến thuật cưỡng chế tại Biển Đông
Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc vừa dùng "chiến thuật cưỡng chế" khi mở rộng hiện diện ở Biển Đông vừa tránh hành động có thể gây xung đột vũ trang.
Trong báo cáo hàng năm lên Quốc hội ngày 13/5, phác thảo về sự phát triển an ninh và quân sự của Trung Quốc, theo AFP, Bộ Quốc phòng Mỹ đang làm sáng tỏ sự hiện diện toàn cầu ngày càng gia tăng của Bắc Kinh và làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại biển Đông - Ảnh: AFP.
"Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật cưỡng chế để thúc đẩy lợi ích của họ bằng cách thức có tính toán để giảm xuống dưới ngưỡng kích động xung đột" - báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định.
Bộ này đưa ra ví dụ năm ngoái Bắc Kinh triển khai tàu bảo vệ bờ biển và tàu hải quân để hỗ trợ cho tuyên bố chủ quyền vô căn cứ của nước này tại Biển Đông và giữ "gần như liên tục" sự hiện diện trong khu vực này.
Trung Quốc tuyên bố sở hữu gần như toàn bộ vùng biển chiến lược quan trọng trên Biển Đông, bao gồm cả các vùng biển có tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Bên cạnh việc tuyên bố chủ quyền vô căn cứ, Trung Quốc còn nỗ lực cải tạo đất đai trên các hòn đảo nhỏ, đá ngầm và xây dựng căn cứ quân sự trên đó.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cung cấp những hình ảnh ấn tượng về hiện trạng của các quần đảo trên Biển Đông, bao gồm cả đảo Đá Chữ Thập của Việt Nam.
Reuters cho biết báo cáo cũng thông tin rằng Trung Quốc đã hoàn thành các nỗ lực cải tạo lớn vào tháng 10/2015, chuyển trọng tâm sang phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm 3 đường băng dài khoảng 3.000m có thể chứa máy bay chiến đấu tiên tiến.
"Việc bổ sung cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm hệ thống giám sát và thông tin liên lạc, dự kiến sẽ được xây dựng trên các đảo trong năm tới. Trung Quốc có thể sẽ sử dụng các đảo mà nước này ngang nhiên tuyên bố chủ quyền để phát triển cơ sở dân sự - quân sự nhằm tăng cường sự hiện diện quan trọng của mình tại Biển Đông" - báo cáo nhìn nhận.
Báo cáo được đưa ra tại thời điểm căng thẳng đang leo thang giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á vì tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Washington đã cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa trên Biển Đông trong khi Bắc Kinh lần lượt chỉ trích sự tăng cường tuần tra hải quân và các cuộc tập trận của Mỹ tại châu Á.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc tập trung vào việc phát triển khả năng để đối phó với sự can thiệp bên ngoài vào bất kỳ cuộc xung đột nào nhưng dường như muốn tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ tại châu Á vốn có thể gây ra các thiệt hại kinh tế tiềm năng.
Đồng thời "Trung Quốc đã chứng minh sự sẵn sàng chịu đựng mức độ cao hơn của sự căng thẳng trong việc theo đuổi lợi ích của mình, đặc biệt là trong việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền" - báo cáo cho biết.
Mỹ khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và quân đội Mỹ đã tiến hành một số hoạt động "tự do hàng hải" khi cho các tàu và máy bay vượt qua các khu vực gần nơi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
AFP cho biết Trung Quốc là nước chi tiêu quân sự lớn thứ hai sau Mỹ. Ngân sách quốc phòng hằng năm của Bắc Kinh trong năm 2015 đã tăng lên 144 tỉ USD. Ngân sách của Lầu Năm Góc gấp khoảng 4 lần con số này./.