Mỹ, Triều Tiên và Thế giới có thể học hỏi gì từ Singapore?
VOV.VN - Singapore, nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, cũng là đất nước mà cả 2 nhà lãnh đạo có thể học hỏi điều gì đó.
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ và Triều Tiên chọn Singapore là nơi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày 12/6.
Singapore được xem là một đất nước thành công cả về kinh tế và chính trị đáng để nhiều nước khác học hỏi. Singapore là một quốc gia giàu có ở châu Á với thu nhập bình quân đầu người khoảng 120.000 dolar Singapore (90.000 USD), cao hơn cả của Mỹ. Nhưng làm thế nào Singapore có thể duy trì sự thịnh vượng và tại sao Singapore lại là điều đáng để cho Mỹ và Triều Tiên ngưỡng mộ?
Singapore có thu nhập bình quân đầu người khoảng 90.000 USD, cao hơn cả của Mỹ. Ảnh: Straits Times |
Singapore có rất nhiều yếu tố mà những quốc gia giàu có khác cũng có như dự trữ vốn cao, môi trường pháp lý tốt, lực lượng lao động được đào tạo tốt. Tuy nhiên bên cạnh đó, Singapore vẫn có những yếu tố riêng biệt mà ít nước nào làm được.
Nhà kinh tế học Tyler Cowen của Mỹ cho biết, ấn tượng đặc biệt nhất của ông chính là Singapore là một trong số ít những nước thu hút được “chất xám” vào lĩnh vực công.
Điều này một phần là nhờ vào mức lương cao được trả trong lĩnh vực công. Các quan chức hàng đầu làm việc trong cơ quan nhà nước được trả lương cao hơn nhiều hơn so với vị trí tương đương ở Mỹ. Các quan chức trong nội các Singapore có thể nhận được mức thu thập hơn 800.000 USD, cộng thêm mức thưởng cao gấp đôi con số này nếu làm việc xuất sắc.
Tất nhiên, mọi thứ không phải chỉ xoay quanh vấn đề tiền. Từ khi độc lập năm 1965, các nhà lãnh đạo Singapore đã xây dựng một đặc tính riêng biệt cho các công chức, viên viên chức trong các cơ quan nhà nước.
Singapore đã thay đổi hình ảnh từ một đất nước tham nhũng, trở thành một trong những nước có chỉ số minh bạch tốt nhất thế giới. Hiện tại Singapore không chỉ chú trọng xây dựng mạng lưới nhân lực chất lượng tốt cho lĩnh vực công, mà còn cả trong lĩnh vực tư nhân.
“Tôi đã từng gặp nhiều quan chức chính phủ Singapore và tôi luôn ấn tượng với những hiểu biết về khoa học xã hội của họ”, nhà kinh tế học Tyler Cowen nói.
“Những quan chức này thường có nền tảng giáo dục rất tốt, phần lớn trong số họ có bằng tiến sỹ từ đại học Havard hay Princeton. Hiện tại 2 trường Đại học của Singapore cũng đạt được đẳng cấp thế giới. Những phân tích của các quan chức Singapore rất thực tế và hướng trực tiếp tới việc tìm ra câu trả lời cho vấn đề, hoặc ít nhất là một giải pháp khả thi”.
“Tôi coi sự phát triển trong nền ‘văn hóa công chức’ của Singapore là một câu chuyện thành công về quản lý và chính trị suốt 50 năm qua”.
Singapore cũng pha trộn rất nhiều ưu điểm của một chính phủ lớn và một chính phủ nhỏ. Có được một đội ngũ công chức chất lượng cao, nghĩa là nước này sẽ có một “chính phủ tốt”.
Singapore là một trong những nước có nền y tế hàng đầu thế giới dù chỉ chi 5% GDP vào lĩnh vực này so với hơn 17% của Mỹ. Theo số liệu thống kê thì chính phủ Singapore sở hữu hầu hết các bệnh viện ở nước này, nhưng nền kinh tế định hướng thị trường vẫn buộc các bệnh viện phải nâng cao chất lượng để cạnh tranh với nhau.
Chi tiêu Chính phủ Singapore chỉ khoảng 17% GDP và điều này cũng giúp nước này có thể áp mức thuế thấp - yếu tố rất tốt cho sản xuất và kinh doanh. Nhưng việc sở hữu cổ phần trong nhiều doanh nghiệp quan trọng ở Singapore cũng là yếu tố giúp Singapore làm giàu thêm ngân khố quốc gia.
Ngày nay, điều tốt nhất khi nghĩ về Singapore là các cuộc bầu cử dân chủ và chính xác, mặc dù đây là một nước dân chủ với một số hạn chế. Singapore không phải là một đất nước “hoàn hảo”, những những gì mà họ đạt được đã chứng minh sự thành công trong quản lý kinh tế và chính trị của một quốc gia nhỏ (tính về diện tích) ở châu Á./.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham quan Singapore trong đêm