Mỹ-Trung thỏa hiệp ra nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc Triều Tiên?
VOV.VN - Mỹ và Trung Quốc dường như đã đạt được một thỏa hiệp trong các cuộc thảo luận “sau hậu trường” cho nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên.
Các lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm cắt giảm gần 90% sản phẩm lọc dầu xuất khẩu tới Triều Tiên mỗi năm. Đây cũng là nghị quyết đầu tiên tuyên bố rõ rằng ràng Triều Tiên sẽ tiếp tục bị phong tỏa nguồn cung dầu nếu nước này tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa chiến lược. Mỹ cũng sẽ gây sức ép lớn với Trung Quốc để hạn chế việc cung cấp dầu cho Triều Tiên.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an. Ảnh: Reuters.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nhấn mạnh: “Trước khi nghị quyết được thông qua, chúng tôi đã 9 lần kêu gọi Triều Tiên lựa chọn con đường hòa bình và chúng ta sẽ chào đón họ trở lại với cộng đồng thế giới. Tuy nhiên, Triều Tiên lại lựa chọn con đường cô lập. Chúng tôi đã từng tuyên bố sẽ tiếp tục đáp trả những hành động khiêu khích của Triều Tiên bằng các trừng phạt quốc tế.
Sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tháng 9, Hội đồng Bảo an đã có nghị quyết cấm xuất khẩu dầu tinh chế tới Triều Tiên và nghị quyết hôm nay tiếp tục cắt giảm tới 89% nhập khẩu dầu hỏa, dầu diesel và các sản phẩm lọc dầu khác của Triều Tiên. Nghị quyết cũng gửi thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên rằng các hành động khiêu khích sẽ tiếp tục được đáp trả bằng trừng phạt và sự cô lập”.
Theo nghị quyết mới, các thành viên Liên Hợp Quốc sẽ phải kiểm tra hoặc bắt giữ tàu hàng của Triều Tiên cập cảng tại các nước này nếu những tàu này vi phạm lệnh trừng phạt. Các nước cũng được phép bắt giữ tàu Triều Triên trên vùng biển của mình.
Tuy nhiên, bản nghị quyết do Mỹ soạn thảo không đề cập việc Trung Quốc phải ngừng cung cấp dầu thô cho Triều Tiên dù rằng Mỹ đã gây sức ép lớn với Trung Quốc trong vấn đề này. Theo các nguồn tin ngoại giao, Mỹ và Trung Quốc dường như đã đạt được một thỏa hiệp trong các cuộc thảo luận “sau hậu trường” cho nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên.
Bản nghị quyết trừng phạt mới với Triều Tiên cũng có chút thay đổi vào phút chót với yêu cầu hồi hương toàn bộ lao động Triều Tiên ở nước ngoài về nước trong vòng 2 năm tính từ ngày nghị quyết được thông qua. Trong khi đề xuất trước đó của Mỹ là thời hạn 1 năm. Bản nghị quyết nêu rõ những lo ngại trước việc Triều Tiên sử dụng nguồn tiền người lao động ở nước ngoài gửi về để phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa. LHQ áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt mới đối với Triều Tiên
Giới chuyên gia nhận định, nghị quyết trừng phạt mới sẽ là “cú đánh mạnh”, với những tác động lớn vào nền kinh tế vốn đang bị cô lập của Triều Tiên. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc dù bỏ phiếu tán thành trừng phạt mới vẫn lên tiếng khẳng định các giải pháp hòa bình để hạ nhiệt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vladimir Safronkov nói: “Việc phóng tên lửa chiến lược từ lãnh thổ Triều Tiên mà không có cảnh báo nào gây ra những mối đe dọa khủng khiếp với hoạt động hàng hải và hàng không trong khu vực, đồng thời đe dọa cuộc sống của người dân. Các hành động này phải chấm dứt ngay lập tức. Nga cũng kêu gọi các bên liên quan thiện chí và sẵn sàng thúc đẩy đối thoại chính trị cho vấn đề Triều Tiên”.
Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Ngô Hải Đào cho rằng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ “vượt khỏi vòng kiểm soát” và ông lặp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh với các bên.
“Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên thực hiện nghiêm túc các yêu cầu của cộng đồng quốc tế và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, cũng như kiềm chế các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong tương lai. Nghị quyết này cũng nhấn mạnh rằng vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị”, ông Ngô Hải Đào nói. Trung Quốc suy xét cẩn trọng dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên
Sau khi nghị quyết được thông qua, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Hội đồng Bảo an tiếp tục đoàn kết, điều mà ông cho là rất quan trọng để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và tạo ra không gian cho các sáng kiến ngoại giao nhằm đạt được mục tiêu trên bằng phương cách hòa bình.
Tổng Thư ký Guterres kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và nỗ lực gấp đôi để đưa năm 2018 trở thành năm bản lề trong việc đạt được hòa bình bền vững trên Bán đảo Triều Tiên.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ca ngợi việc thông qua các lệnh trừng phạt mới này và cho rằng cộng đồng quốc tế đã và đang nỗ lực vì hòa bình với Triều Tiên.
Phía Triều Tiên chưa có phản ứng nào với nghị quyết mới nhằm vào vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 29/11 này. Tính đến thời điểm này của năm nay, Triều Tiên đã tiến hành 1 vụ thử hạt nhân và ít nhất 20 vụ thử tên lửa. Triều Tiên cho biết tên lửa mới nhất là tên lửa liên lục địa, có thể đặt toàn bộ vùng đại lục nước Mỹ vào tầm ngắm của vũ khí hạt nhân Triều Tiên./.
Triều Tiên lại đối mặt với nguy cơ bị quốc tế trừng phạt