Mỹ và châu Âu điều chỉnh chương trình vaccine vì những biến thể mới
VOV.VN - Các biến thể ở Nam Phi, Anh và Brazil có tốc độ lây lan nhanh hơn hẳn chủng gốc trong khi độc tố vẫn giữ nguyên hoặc tăng cao hơn.
Việc xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã gây phức tạp thêm nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Điều này buộc giới khoa học và chính phủ các nước phải tăng tốc việc phát triển, cũng như cập nhật những loại vaccine không chỉ hiệu quả trong ngăn ngừa virus SARS-CoV-2, mà cả những biến chủng của nó.
Ngày 12/2, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cho biết, cơ quan này có thể đẩy nhanh việc xét duyệt tất cả những loại vaccine thế hệ mới có khả năng bảo vệ và chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Cụ thể, theo ông Marco Cavaleri Giám đốc chiến lược vaccine của Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu, cơ quan này đang soạn thảo một bản hướng dẫn mới dành cho các nhà sản xuất đang lên kế hoạch điều chỉnh vắc-xin hiện tại để ứng phó với các biến thể mới. Việc đánh giá những loại vaccine này có thể không cần phải qua những bước thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, lên tới hàng chục nghìn người như đối với vaccine đời đầu.
Đến nay, Cơ quan dược phẩm châu Âu đã phê chuẩn 3 vaccine để sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU), gồm vaccine của các hãng dược Pfizer/BioNTech của Mỹ và Đức, Moderna của Mỹ và AstraZeneca/Oxford của Thụy Điển và Anh. Tất cả những tập đoàn lớn này đều cho biết đang điều chỉnh vaccine của mình để tăng cường hiệu quả trong ngăn ngừa những biến thể mới.
Dù chỉ mới xuất hiện cách đây vài tuần, song những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh, Nam Phi hay Brazil đã lây lan ra khắp thế giới, đặt các chính quyền trước thách thức mới nhằm đẩy lùi đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 2,5 triệu người chỉ trong vòng một năm. EU đã liên hệ với khoảng 50 tập đoàn dược để mua các loại vaccine ngừa COVID-19, trong khi tại Anh, nước này đã đạt được thảo thuận với hãng dược phẩm CureVac của Đức, để hợp tác phát triển vaccine ngăn ngừa biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Anh Boris Johson mới đây cảnh báo, những biến thể mới là một trong các rủi ro lớn nhất đối với chương trình tiêm vaccine COVID-19 tại nước này: “Khi các biến thể mới xuất hiện, sẽ hữu ích hơn bao giờ hết nếu vaccine có thể chống lại tất cả các biến thể. Tôi tin rằng vaccine sẽ ngày càng trở nên tốt hơn để chống lại tất cả các biến thể. Tuy nhiên, kế hoạch trước mắt là phải tiếp tục đẩy nhanh các chương trình tiêm vaccine COVID-19 đối với tất cả các nhóm người từ nay đến cuối tháng 4/2021”.
Tương tự tại Mỹ, TS Janet Woodcock, quyền giám đốc Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nước này cho biết, nếu xảy ra trường hợp cần tiêm thêm một mũi vaccine hoặc phải điều chỉnh vaccine thì cơ quan này sẽ xem xét cấp phép mà không yêu cầu phải tiến hành thử nghiệm trên diện rộng trước.
Quy trình mới có thể sẽ chỉ cần các thông tin về an toàn và nếu có thể sẽ triệu tập một ủy ban gồm các chuyên gia độc lập đánh giá về việc tiêm các mũi vaccine bổ sung. Theo các quan chức y tế châu Âu và Mỹ, những vaccine hiện hành vẫn cho hiệu quả bảo vệ hợp lý trước các biến thể. Tuy nhiên, việc quyết định sớm về quy trình cấp phép sẽ giúp cơ quan quản lý chủ động ứng phó nhanh trong trường hợp cần thiết./.