Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về khí hậu bên lề COP26
VOV.VN - Mỹ và Trung Quốc ngày 10/11 đã ra “Tuyên bố chung Glasgow Mỹ-Trung về tăng cường hành động khí hậu trong thập niên 2020” gồm 16 điểm.
Trong hai cuộc họp báo riêng rẽ bên lề Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về khí hậu (COP26) đang diễn ra ở Glasgow, Anh, đặc phái viên khí hậu của mỗi nước đã thông báo về thỏa thuận vừa đạt được.
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, cựu Ngoại trưởng John Kerry nói rằng thỏa thuận này đưa ra tuyên bố mang tính bắt buộc hai nước phát thải hàng đầu thế giới phải hợp tác. Ông John Kerry nhấn mạnh: “Ngay bây giờ mọi bước đều quan trọng và chúng ta còn cả một hành trình dài phía trước. Vì vậy, chúng ta phải giảm thiểu nhanh hơn, phải cắt giảm lượng khí metan nhanh hơn, phải tiếp tục nuôi tham vọng và trên hết chúng ta phải hành động để duy trì mục tiêu 1,5 độ C”.
Ông Kerry cho biết thêm, Trung Quốc đã cam kết xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia toàn diện và đầy tham vọng về khí metan tại COP27 vào năm sau. Tuy nhiên, Đặc phái viên khí hậu của Mỹ không cho biết liệu Trung Quốc có tham gia cam kết hiện hành về khí metan toàn cầu do Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Anh dẫn dắt hay không.
Lượng phát thải khí metan có tiềm năng cao hơn 25 lần so với CO2 (carbon dioxide) trong khoảng 100 năm tới và thậm chí còn nhiều hơn trong thời gian ngắn. Do vậy, các chuyên gia khí hậu đã chỉ ra rằng giảm phát thải khí metan là cách nhanh chóng để giảm bớt sự nóng lên của hành tinh.
Về phần mình, Đặc phái viên khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa nói rằng cả hai bên sẽ có hành động cụ thể. Theo ông Giải Chấn Hoa, hai nước sẽ phối hợp với nhau trong một loạt các vấn đề bao gồm điện sạch, than đá, cắt giảm khí thải metan và ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp.
Thỏa thuận quan trọng vừa đạt được trong bối căng thẳng giữa hai nước đã bộc lộ rõ tại hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc lần này. Mỹ nhiều lần nói rằng các cam kết của Trung Quốc không đủ mạnh và chỉ trích quyết định không tham dự hội nghị của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khi đó, phía Trung Quốc nhấn mạnh hành động quan trọng hơn lời nói và cho rằng Bắc Kinh cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thời gian hơn để phục vụ phát triển kinh tế./.