Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tham vấn về Iran
VOV.VN - Những căng thẳng mới phát sinh cho thấy thỏa thuận hạt nhân Iran không phải là sự kết thúc, mà là sự khởi đầu cho một tiến trình lâu dài.
Chưa đầy 2 tháng sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây chính thức có hiệu lực, quan hệ giữa hai bên lại dậy sóng sau các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới đây của Iran. Chính phủ Mỹ hôm qua(11/3) thông báo đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành tham vấn về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Trong một thông cáo, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samatha Power tuyên bố, chính phủ Mỹ cực kỳ lo ngại về các vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây của Iran, cho đây là các hành động “khiêu khích và gây bất ổn”.
Một vụ phóng tên lửa của Iran. (Ảnh minh họa: AP) |
Bà Power cũng nhấn mạnh, Mỹ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành tham vấn về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, bởi các nghị quyết của cộng đồng quốc tế cấm Iran tiến hành những vụ thử như thế này.
Trước đó, hồi đầu tuần, Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố đã tiến hành các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, được xem là nhằm chứng minh sức mạnh răn đe của nước này. Được tiến hành trong khuôn khổ một cuộc diễn tập quân sự, các vụ phóng thử tên lửa đã cho thấy, Iran sẵn sàng đối mặt với mọi mối đe dọa nhằm vào đất nước.
Một quan chức quân sự Iran cũng cho biết thêm, những tên lửa này có thể tấn công những kẻ thù ở xa, đặc biệt là Israel, quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây.
Trước những tuyên bố này, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samatha Power khẳng định, Mỹ lên án mạnh mẽ những đe dọa nhằm vào một nước thành viên Liên Hợp Quốc và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh, Mỹ cũng đang cân nhắc một phản ứng quốc gia phù hợp.
Trước đó, một ngày sau các vụ thử tên lửa của Iran, Mỹ đã cảnh báo sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt mới, chỉ 2 tháng sau các lệnh trừng phạt bổ sung nhằm vào các công ty và cá nhân có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Trong bối cảnh những căng thẳng này có nguy cơ làm đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân khó khăn mới đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm leo thang cang thẳng do những hành động vội vã.
Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết: “Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan hành động kiềm chế không để gia tăng căng thẳng do bất kỳ hành động vội vàng nào, nhất là trong bối cảnh chính trị hiện nay ở Trung Đông và sau những thông tin tích cực liên quan tới việc dỡ bỏ trừng phạt với Iran”.
Theo nghị quyết 2231 của Liên Hợp Quốc và thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và phương Tây hồi giữa năm ngoái, Iran phải từ bỏ các kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo có thể trang bị đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, tới nay Iran vẫn luôn bác bỏ những cáo buộc cho rằng, nước này đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định, những tên lửa này không được thiết kế để mang bom hạt nhân.
Những căng thẳng mới này đã một lần nữa cho thấy thỏa thuận ký kết hồi giữa năm ngoái và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay giữa Mỹ và Iran không phải là sự kết thúc, mà là sự khởi đầu cho một tiến trình lâu dài.
Việc Iran phóng thử tên lửa đạn đạo hay việc Mỹ cảnh báo sẽ có hành động đáp trả đều có thể xem là phép thử cho thỏa thuận hạt nhân đạt được. Câu hỏi đặt ra lúc này là Chính phủ của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hành động như thế nào trong bối cảnh sức ép từ trong nước là rất lớn, nhất là từ phía đảng Cộng hòa không ngừng yêu cầu Tổng thống phải gia tăng trừng phạt với Iran./.