Mỹ: Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái pháp luật
VOV.VN - Tuyên bố của Ngoại trương Mỹ bác bỏ yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc cũng như mọi yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 13/07 đã thể hiện rõ quan điểm của Mỹ coi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là trái pháp luật.
Tiêm kích tàng hình F-35B trên tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ trong thời gian hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: US NAVY. |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh các yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết Biển Đông là hoàn toàn trái pháp luật cũng như các hoạt động bắt nạt của nước này nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên đó.
Tuyên bố bác bỏ yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc cũng như mọi yêu sách chủ quyền của nước này đối với các vùng nước xung quanh bãi Tư Chính của Việt Nam và vùng nước nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.
Tuyên bố cũng nêu rõ mọi hành động của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hoặc khai thác dầu khí của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều trái pháp luật.
Tuyên bố nhấn mạnh thế giới sẽ không cho phép Trung Quốc được coi Biển Đông như đế chế trên biển của mình đồng thời khẳng định Mỹ sẽ cùng với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á bảo vệ quyền chủ quyền của mình đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của những nước này theo luật pháp quốc tế. Mỹ cũng tuyên bố cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng chủ quyền cũng như phản đối mọi nỗ lực áp đặt khái niệm “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông và trong toàn khu vực.
Washington từng nhiều lần tuyên bố tham vọng bành trướng chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp nhưng đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức bác bỏ các luận điểm cụ thể của Trung Quốc. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh quan điểm của Mỹ về các yêu sách trên biển của Trung Quốc giống với phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 từng bác bỏ các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc vì không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Mỹ tuyên bố quyết định của Tòa trọng tài là cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên.
Tuyên bố của Mỹ được coi là một thay đổi bước ngoặt khi Washington trước đây luôn không tỏ ra đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Thông thường, Mỹ chỉ kêu gọi các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp một cách hoà bình và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Taylor Fravel, một chuyên gia nghiên cứu về các tranh chấp lãnh thổ và quân đội Trung Quốc tại Viện công nghệ Massachusetts cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực.
Bà Bonnie Glaser, Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm các cách để có thể hành đông và lên tiếng ủng hộ những nước nhỏ hơn cũng có tuyên bố chủ quyền nhưng bị Trung Quốc bắt nạt.
Trong khi đó, Gregory Poling, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á kiêm Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng tuyên bố của ông Pompeo về cơ bản cho thấy Mỹ sẽ không còn giữ im lặng trước những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Poling nhận định, mọi việc sẽ tùy thuộc vào các bước đi tiếp theo của Washington sau tuyên bố ngày 13/7, nhưng nó là "một đòn giáng mạnh mẽ về mặt ngoại giao". Động thái cũng đánh dấu sự leo thang căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Có thể thấy rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gia tăng các hành động chống lại Trung Quốc khi tham gia vào một trong những vấn đề gai góc của khu vực và trực tiếp bác bỏ hầu như toàn bộ các yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuyên bố của chính quyền Mỹ được coi như một nỗ lực nhằm ngăn cản Trung Quốc gia tăng tuyên bố chủ quyền ở khu vực với cam kết duy trì luật pháp quốc tế.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong một loạt các vấn đề bao gồm đại dịch Covid-19, nhân quyền, chính sách đối với Hong Kong và Đài Loan, cũng như thương mại, những lĩnh vực đã khiến quan hệ giữa hai nước xuống dốc trong vài tháng qua.
Ngay sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, lãnh đạo các ủy ban đối ngoại của cả Thượng viện và Hạ viện cũng đã ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một số nghị sỹ Mỹ cũng đã lên Twitter ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đồng thời phản đối chủ nghĩa bành trướng và các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc cả chính quyền và Quốc hội Mỹ có chung tiếng nói trong vấn đề Trung Quốc ở Biển Đông cho thấy Mỹ đang rất nghiêm túc và thể hiện rõ quan điểm của mình trong vấn đề này./.