Myanmar sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày mai (8/11)
VOV.VN - Ngày mai (8/11), các cử tri Myanmar sẽ bắt đầu tiến hành bỏ phiếu để chọn ra ai là người điều hành đất nước trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, trái với cuộc bầu cử 5 năm trước lần này không khí tại quốc gia đông Nam Á này có phần ảm đạm, thậm chí các đảng đối lập còn lên tiếng kêu gọi hoãn cuộc tổng tuyển cử bởi dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế Myanmar, số ca mắc Covid 19 tại nước này đã lên tới gần 60.000 trường hợp và đã có hơn 1.000 người tử vong. Đây không phải là một con số quá lớn so với các quốc gia như Mỹ hay châu Âu tuy nhiên với một đất nước bị đánh giá là y tế còn chậm phát triển như Myanmar thì đó là một điều đáng báo động.
Trong bối cảnh các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, cuộc tổng tuyển cử tại Myanmar ngay lập tức bị lu mờ bởi người dân tại thành phố lớn nhất đất nước là Yangon và vùng lân cận không được phép ra khỏi nhà. Các cuộc tụ tập lớn để vận động tranh cử cũng không được phép diễn ra trừ ngày chủ nhật ngày được ấn định là thời gian tiến hành bỏ phiếu.
Trước đó, phe đối lập liên tục kêu gọi hoãn cuộc bầu cử vì lý do dịch bệnh, hơn 20 đảng trong đó có Đảng đối lập lớn nhất là Đoàn kết và Phát triển, đảng được quân đội ủng hộ đã yêu cầu uỷ ban bầu cử tiền hành hoãn bỏ phiếu. Lời kêu gọi của phe đối lập không được chấp thuận tuy nhiên là cơ sở để truyền thông sở tại dự đoán số lượng cử tri đi bỏ phiếu sẽ thấp hơn so với cuộc tổng tuyển cử 5 năm trước.
Giới phân tích nhận định Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền do Cố vấn Cấp cao Nhà nước Aung San Suu Kyi lãnh đạo sẽ vẫn chiếm ưu thế so với các đảng khác trong cuộc bầu cử lần này song sẽ không còn chiếm được thế thượng phong như 5 năm trước.
Tại cuộc tổng tuyển cử năm 2015, NLD đã giành chiến thắng áp đảo với hơn 77% số ghế trong Quốc hội. Một trong những lý do đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ không chiếm được áp đảo số ghế như lần trước là vì các cuộc xung đột vẫn tiếp tục diễn ra tại Myanmar đặc biệt là ở các bang Kachin và Rakhine nên các nhóm thiểu số tại nước này sẽ không ủng hộ cho đảng cầm quyền như trước.
Những nhà lãnh đạo tương lai của Myanmar cũng sẽ phải đối mặt với hậu quả mà dịch Covid-19 gây ra, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của quốc gia này năm nay chỉ ở mức 0,5% thay vì 6,8% như trước đó. Ngoài ra, các tác động từ dịch sẽ khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội tiếp tục gia tăng và làm đảo ngược tiến trình đưa hàng triệu người thoát nghèo của Myanmar.
Theo Ủy ban Bầu cử thống nhất Myanmar, cuộc tổng tuyển cử năm 2020 thu hút sự tham gia của 91 đảng phái chính trị cùng tổng số 5.831 ứng cử viên./.