Năm quốc gia EU phản đối thỏa thuận thương mại mới với Ukraine
VOV.VN - Ngày 14/7, tại cuộc họp của Hội đồng Nông nghiệp EU, 5 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) là Ba Lan, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Romania đã bày tỏ sự không hài lòng với thỏa thuận mới giữa Ukraine và EU đang được soạn thảo dựa trên Hiệp định Thương mại tự do toàn diện và sâu rộng (DCFTA).
Truyền thông đưa tin, năm quốc gia là Ba Lan, Slovakia, Hungary, Bulgaria và Romania cho rằng thỏa thuận thương mại mới với Ukraine mà Ủy ban châu Âu đề xuất để thay thế cho quy định về thương mại trước đó với Kiev có thể gây bất ổn cho thị trường nông sản EU.
Các quốc gia này cho rằng, những biện pháp hiện tại đang khiến cho người nông dân ở nhiều nước gặp khó khăn vì lượng hàng nông sản Ukraine tràn vào thị trường đã gây quá tải hệ thống kho lưu trữ địa phương và gây ra khủng hoảng giá nông sản, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. Thực trạng này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở biên giới các quốc gia Đông Âu trong năm 2023 và 2024.

Ông Christophe Hansen, Ủy viên châu Âu về Nông nghiệp và Thực phẩm, cũng xác nhận rằng vấn đề thương mại với Ukraine đã được thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng EU. Ông chia sẻ dựa trên yêu cầu của một nhóm các quốc gia trong EU, các nhà lãnh đạo của khối cũng đã thảo luận về các sửa đổi trong Hiệp định Thương mại Tự do Toàn diện và Sâu rộng (DCFTA) với Ukraine. Ngoài ra, ông cho biết nhiều quan điểm khác nhau đã được nêu ra về thỏa thuận này và bày tỏ sự tin tưởng việc đạt thảo luận này mang lại lợi ích tốt nhất cho người nông dân.
Trước đó, ngày 30/6, Ủy ban Châu Âu thông báo EU và Ukraine đã được thỏa thuận sơ bộ về xuất khẩu nông sản trong tương lai sang khối này. EU đã quay trở lại thỏa thuận thương mại trước chiến tranh với Ukraine, tái áp thuế và hạn ngạch đối với thương mại nông sản. Theo dữ liệu được công bố, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine và quốc gia Đông Âu này là nhà cung cấp nông sản lớn thứ ba cho EU.