Năm “thảm họa hàng không“: Khi sợ hãi lấn át lý trí
Ở cả Việt Nam và các nước, cư dân mạng đặt câu hỏi tại sao năm 2014 có quá nhiều thảm họa hàng không khủng khiếp đến vậy.
>> Thế giới 7 ngày: Thêm một thảm kịch hàng không trong năm 2014?
>> Indonesia nỗ lực tìm kiếm máy bay QZ8501 của hãng Air Asia mất tích
>> Máy bay AirAsia mất tích: Vật thể được phát hiện không phải của QZ8501
Ngày 28/12, khi các tờ báo mạng đăng tải thông tin về vụ máy bay Indonesia AirAsia mất tích, trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter tràn ngập những bình luận thể hiện sự buồn bã và lo ngại.
Đầu tiên là vụ chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích bí hiểm, tiếp đến là chuyến bay MH17 cũng của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở đông Ukraine.
Sau đó tới lượt hai vụ tai nạn thảm khốc của TransAsia Airways ở Đài Loan và Air Algerie tại Mali. Hơn 700 người đã thiệt mạng và mất tích.
Và trong những ngày cuối cùng của năm 2014, khi Giáng sinh vừa trôi qua và năm mới đến gần, lại có thêm 162 người vô tội đối mặt với tử thần từ trên không. Cũng dễ hiểu khi rất nhiều người than thở rằng “Từ giờ không dám đi máy bay nữa”.
Báo chí quốc tế đưa tin sau hai thảm họa MH370 và MH17, tâm lý sợ đi máy bay lan rộng trên thế giới.
Thậm chí khoảng 200 tiếp viên Malaysia Airlines đã xin thôi việc vì lo sợ nguy cơ an toàn và áp lực của gia đình.
Không ít người tâm sự rằng giờ đây mỗi chuyến bay đối với họ là một cực hình. Trên không, trong khoang máy bay, họ đắm chìm trong nỗi lo, trong đầu tưởng tượng ra đủ mọi cảnh tượng khủng khiếp và chỉ thở phào khi máy bay hạ cánh.
Cảm xúc bản năng dẫn tới hội chứng sợ đi máy bay. Tuy nhiên logic thực tế chỉ cho chúng ta thấy rằng hãy cứ tận hưởng cơ hội bay trên bầu trời. Các số liệu thống kê cho thấy máy bay thương mại vẫn là phương tiện giao thông an toàn nhất.
Bạn dễ thiệt mạng khi đi xe từ nhà tới sân bay hơn là khi đang bay. Theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 32 triệu chuyến bay thương mại. Mỗi ngày có khoảng 3 triệu hành khách bay trên bầu trời một cách an lành.
ICAO cho biết trước vụ máy bay Indonesia AirAsia mất tích, chỉ có bảy vụ tai nạn máy bay gây chết người trong năm 2014, một con số thấp kỷ lục.
Giao thông hàng không đang trở nên an toàn hơn bao giờ hết. Với các con số trên, Viện Công nghệ Massachusetts ước tính trung bình một người có thể bay hằng ngày trong liên tục 123.000 năm trước khi gặp tai nạn thiệt mạng. Ngược lại, giao thông đường bộ vẫn cực kỳ nguy hiểm.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2013 có tới 1,24 triệu người thiệt mạng vì tai nạn giao thông đường bộ. Ở Indonesia, mỗi ngày trung bình 120 người chết trên đường.
Tại Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông cho biết tính đến ngày 15/12/2014, một năm qua có 8.996 người chết vì tai nạn giao thông, 24.417 người bị thương. Năm 2013 cũng có 9.300 người Việt Nam thiệt mạng vì tai nạn trên đường.
Các vụ tai nạn máy bay gây chấn động dư luận đơn giản bởi chúng rất ít khi xảy ra, trái ngược lại tai nạn giao thông đường bộ diễn ra hằng ngày.
Công nghệ hiện đại giúp ngành hàng không trở nên an toàn đến mức những vụ tai nạn này chủ yếu xuất phát từ những tình huống cực kỳ hiếm hoi.
Và cần nhớ rằng bất cứ thứ gì chúng ta làm trong cuộc sống cũng có những rủi ro nhất định, dù là lái xe trên đường, đi cầu thang máy, leo thang bộ, đến siêu thị...
Trong cuốn sách Life in the skies (Cuộc sống trên bầu trời), cơ trưởng Lim Khoy Hing của Hãng hàng không Malaysia Airlines viết:
“Nếu bạn muốn tuyệt đối an toàn thì nên ngồi bên cạnh hàng rào và ngắm những chú chim đậu trên cây”. Nhưng nếu làm như thế, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội quý giá trong cuộc đời./.