Nắng nóng, cháy rừng tại Mỹ và Canada: Hậu quả rõ ràng của biến đổi khí hậu
VOV.VN - Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ tại Mỹ hay Canada mà còn nhiều nơi trên thế giới.
Sau một tuần nắng nóng kỷ lục, Mỹ và Canada tiếp tục phải đương đầu với nạn cháy rừng. Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ tại Mỹ hay Canada mà còn nhiều nơi trên thế giới. Theo các nhà hoạt động môi trường, nếu các nhà hoạch định chính sách không có hành động ngay lập tức, mục tiêu giữ cho nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền Công nghiệp sẽ ngày càng trở nên xa vời.
Thị trấn Lytton nhỏ bé với khoảng gần 300 dân và cách thành phố Vancouver, Canada khoảng 250 km về phía Đông Bắc gần như bị “xóa sổ” khi cháy rừng bao phủ tới 90% diện tích. Toàn bộ người dân đã phải sơ tán khẩn cấp do tình hình diễn biến cực xấu. Hầu hết nhà cửa và công trình ở Lytton đã bị phá hủy. Đây cũng là khu vực chịu tác động mạnh nhất của đợt nắng nóng kéo dài suốt một tuần qua ở khu vực miền Tây Canada, với nhiệt độ có thời điểm tăng cao kỷ lục lên tới 49,5 độ C, cao hơn gần 5°C so với mức kỷ lục vào năm 1937.
Một người dân tại Lytton chia sẻ: “Ngay khi nhận được thông báo của cơ quan khẩn cấp, chúng tôi ngay lập tức rời khỏi nhà, mang theo mọi thứ có thể một cách nhanh nhất. Mọi thứ thực sự khó khăn, khói ở khắp nơi và tôi không biết diễn ra cảm xúc của mình lúc đấy như thế nào. Tôi thực sự bị sốc".
Riêng tại tỉnh British Columbia, nơi có thị trấn Lytton, hơn 170 đám cháy rừng đã được ghi nhận, trong đó gần một nửa đã bùng phát từ hai ngày qua. Theo Bộ An toàn Công cộng Canada, tình trạng thời tiết khô hạn và nhiệt độ khắc nghiệt ở British Columbia là chưa từng có tiền lệ và Canada mới chỉ ở trong giai đoạn sớm nhất của một mùa hè được dự báo còn kéo dài và khốc liệt hơn nhiều. Ít nhất 719 người đã tử vong kể từ đầu đợt nóng, cao gấp 3 lần so với bình thường.
Ở phía bên kia biên giới, khu vực Tây Bắc nước Mỹ cũng không nằm ngoài tác động của hiệu ứng “vòm nhiệt”, một hiện tượng thời tiết hiếm gặp song đang ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Hầu hết các bang miền Tây Bắc nước Mỹ, trong đó có Washington hay Oregan đều ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong tuần qua.
Bà Clare Nullis, người phát ngôn Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết: “Sức nóng sinh ra do mô hình ngăn chặn khí quyển. Điều này có nghĩa là những nền nhiệt độ cao tập trung ở một khu vực cụ thể. Thông thường sẽ có luồng khí cản từ vành đai gió chuyển động cao, làm thay đổi hệ thống thời tiết này, song hiện tượng này lại không xảy ra như vậy. Hậu quả là bạn hãy tưởng tượng nó gần giống như hiệu ứng nồi áp suất, khiến chúng ta phải chứng kiến nền nhiệt rất cao đến vậy”.
Nhà khí hậu học Nikos Christidis của Anh cảnh báo, xác suất của một kỷ lục nhiệt độ như vậy là vài chục nghìn năm mới xảy ra một lần và biến đổi khí hậu đang khiến tình trạng này trở nên phổ biến hơn. Không chỉ nắng nóng, cháy rừng tại Mỹ hay Canada, mà hạn hán tại Trung Quốc, lở đất tại Nhật Bản hay các cơn bão xảy ra với cường độ mạnh và dồn dập hơn trên Thái Bình Dương khiến chúng ta cảm nhận ngày một rõ những tác động của biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia về khí hậu nhiều lần cảnh báo, nếu nhiệt độ tăng quá 1,5 độ C, các hiện tượng khí hậu bất thường, cực đoan sẽ còn xảy ra dồn dập hơn nữa, với mức độ dữ đội ngày càng tăng. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy thập niên tính tới năm 2019 là thời gian nóng nhất và các năm nóng kỷ lục đều xảy ra sau thời điểm năm 2012./.