NATO cần chuẩn bị cho kịch bản Mỹ rút khỏi liên minh nếu ông Trump trở lại
VOV.VN - Các nhà ngoại giao ở châu Âu cho rằng nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử, ông có thể rút Mỹ khỏi NATO và các nước thành viên liên minh quân sự cần chuẩn bị cho một kịch bản như vậy.
Báo Telegraph của Anh ngày 9/3 dẫn lời một số nhà ngoại giao từ các nước thành viên NATO cảnh báo, NATO có thể phải đối mặt với khả năng Mỹ rút khỏi liên minh nếu cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới.
Một nhà ngoại giao châu Âu nói với Telegraph rằng khả năng Mỹ rút khỏi NATO là một “mối lo ngại”.
“Không ai biết ông ấy sẽ làm gì tiếp theo”, nhà ngoại giao châu Âu nói, ám chỉ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sau khi giành chiến thắng tại 14 trong số 15 bang tiến hành bầu cử sơ bộ trong ngày Siêu Thứ Ba. Đối thủ cuối cùng còn lại của ông Trump, bà Nikki Haley, đã tuyên bố dừng cuộc đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa ngay sau đó.
Ông Trump hiện được cho là sẽ tái đấu với đối thủ cũ Joe Biden vào tháng 11. Tổng thống đương nhiệm của Mỹ cũng dẫn đầu trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
Trước đó, một số cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho rằng Washington có thể rút khỏi NATO nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng một lần nữa. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper từng đưa ra dự đoán như vậy vào tháng 12/2023. Theo ông Esper, ông Trump có thể bắt đầu rút lực lượng Mỹ ra khỏi các nước NATO, có khả năng gây ra “sự sụp đổ của liên minh”.
Hồi giữa tháng 2, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, John Bolton, cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
“NATO sẽ thực sự gặp nguy hiểm”, ông Bolton nhận định và nói thêm rằng ông Trump sẽ cố gắng đưa Mỹ ra khỏi NATO.
Một nhà ngoại giao châu Âu nói rằng các nước thành viên NATO nên “lập kế hoạch” cho cho kịch bản ông Trump rút Mỹ khỏi liên minh hoặc làm suy yếu cam kết của Mỹ với NATO.
Nguồn tin của Telegraph nói rằng NATO “cần phải chuẩn bị sẵn sàng” cho tình huống này.
Một quan chức khác cho rằng NATO là “quá phụ thuộc vào Mỹ”. Theo quan chức này, một “cuộc thảo luận” về việc phòng ngừa rủi ro khi Mỹ rút quân là “cần thiết”.
Nguồn tin thứ ba được Telegraph trích dẫn cho biết các quốc gia châu Âu nên kiểm tra khả năng phù hợp của “kế hoạch phòng thủ” trước những rủi ro như vậy.
Ông Lord Kim Darroch, cựu đại sứ Anh tại Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia của thủ tướng Anh cũng từng bày tỏ lo ngại tương tự.
“Nếu tôi là một quan chức trong bất kỳ văn phòng thủ tướng nào trên khắp châu Âu, tôi sẽ ủy quyền cho các chuyên gia trong chính phủ bắt đầu tìm kiếm kế hoạch dự phòng cho trường việc NATO không có Mỹ”, ông Darroch nhấn mạnh trong một bài viết cho Prospect vào tháng trước.
Ông Trump gần đây không đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc rút Mỹ khỏi NATO. Hồi tháng 2, ông nói rằng ông sẽ không “bảo vệ” những thành viên NATO không đạt ngưỡng chi tiêu 2% trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công, bao gồm cả từ Nga.
Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Nam Carolina ngày 10/2, ông nhắc lại cuộc trò chuyện giữa ông với “tổng thống của một nước lớn” ở châu Âu. Khi được hỏi liệu ông có khẩn trương viện trợ cho nước này trong trường hợp họ bị Nga tấn công hay không, ông Trump nói rằng nếu quốc gia đó không chi đủ tiền cho quốc phòng, ông “sẽ khuyến khích [Nga] làm bất cứ điều gì họ muốn”.