Nepal: Phải mất hàng triệu USD để khôi phục các khu di tích
VOV.VN - Khôi phục lại các di sản thế giới, khu di tích bị động đất tàn phá tại Nepal có thể mất nhiều năm và tốn hàng triệu đô la Mỹ.
Đây là nhận định của ông Bhesh Narayan Dahal-Giám đốc Cơ quan Khảo cổ học Nepal. Theo ông Dahal, khoảng 200 di tích trong đó có cả những di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) công nhận đã bị phá hủy sau trận động đất hôm 25 tháng Tư.
Ông Dahal cho biết, Nepal đang lập ra một nhóm điều phối quốc gia với sự tham gia của nhiều chuyên gia văn hóa và khảo cổ để đánh giá thiệt hại của các di tích. Các nhà khảo cổ học sẽ vẽ lại hình ảnh chi tiết của các di tích sau đó trùng tu lại. Tuy nhiên, quá trình này phải mất nhiều năm: "Tôi nghĩ rằng, phải mất từ 5 đến 7 năm để có thể khôi phục lại các di tích này. Chúng ta cần phải xây dựng lại các di tích bởi đây là niềm tự hào của chúng ta, là quà tặng của tổ tiên chúng ta. Thêm nữa các di tích này giúp cho nền du lịch của Nepal phát triển”.
UNESCO cho biết sẽ hỗ trợ Nepal trong việc khôi phục các di tích bị tàn phá. Theo số liệu của chính phủ Nepal, mỗi năm nước này đón 800 nghìn du khách đến thăm. Các di sản, di tích và đền thờ là nơi thu hút nhiều du khách nhất./.
Trong một diễn biến khác, nhân viên y tế quốc tế và địa phương tiến hành đợt tiêm phòng sởi cho trẻ em ở Kathmandu, Nepal.
Sau trận động đất hôm 25/4, hàng ngàn người buộc phải ngủ ngoài trời trong các khu lều trại. Điều này gây nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm vì điều kiện vệ sinh yếu kém tại các trại quá tải, có đông trẻ nhỏ. Ông Kent Page, người phát ngôn của Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Nepal cho biết: “Chúng tôi đã tiêm chủng cho trẻ em ở khu lều trại này ở thung lũng Cát-man-đu và các huyện khác xa hơn nữa. Mục tiêu của chúng tôi là tiêm phòng sởi cho nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi vì bệnh sởi rất dễ lây kể cả đối với những người khỏe mạnh”.
Chiến dịch tiêm chủng sẽ tiếp tục được tiến hành tại 9 quận huyện bị ảnh hưởng nặng nề do động đất. Ngoài nguy cơ dịch bệnh, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cảnh báo, khoảng 1,7 triệu trẻ em tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề sẽ sống trong cảnh "không nhà cửa, bị sốc nặng và không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cơ bản" trong khi chỉ còn vài tuần nữa là tới mùa mưa./.