Nga bình luận về quyết định của Armenia tham gia Quy chế Rome
VOV.VN - Ngày 30/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga đang trông đợi vào việc giải quyết theo hướng đồng minh trước tình hình Armenia có thể gia nhập Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC).
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, “chủ đề này là nội dung thảo luận trong các cuộc tiếp xúc cấp cao ở cả Moscow và Yerevan”. Tất nhiên, Nga cho rằng, vấn đề này sẽ được giải quyết theo hướng đồng minh và được cả hai bên chấp nhận.
Trước đó, ngày 24/3, Tòa án Hiến pháp Armenia đã quyết định rằng, các nghĩa vụ được quy định trong Quy chế Rome của Tòa hình sự quốc tế (ICC) là phù hợp với luật cơ bản của đất nước. Armenia đã ký Quy chế Rome của ICC vào năm 1998 nhưng chưa phê chuẩn. Năm 2004, Tòa án Hiến pháp nước này đã công nhận các nghĩa vụ của hiệp ước là mâu thuẫn với một số điều khoản của hiến pháp năm 1995 (sau đó được sửa đổi vào năm 2005 và 2015). Chính phủ Armenia đã nộp đơn lên Tòa án Hiến pháp của nước này để công nhận hồi tố quyền tài phán của ICC từ tháng 5/2021 trở lại vào tháng 12/2022. Yerevan tin rằng, điều này sẽ có thể khiến Azerbaijan phải "chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh" (liên quan cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh).
Tòa hình sự quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ vào ngày 17/3 đối với Tổng thống Nga V.Putin và Thanh tra về Quyền trẻ em Maria Lvova-Belova. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lúc đó đã tuyên bố rằng, các quyết định của ICC không có hiệu lực pháp lý và vô hiệu. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng, quyết định này sẽ gây ra những hậu quả "khủng khiếp" đối với luật pháp quốc tế, đồng thời "không có giá trị thực tế".
Ngày 20/3, Ủy ban Điều tra Nga đã khởi tố vụ án hình sự chống lại một công tố viên và 3 thẩm phán của ICC. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cũng cho rằng, những thẩm phán này phải chịu trách nhiệm. Ông đã đề xuất, “cần điều chỉnh pháp luật để cấm mọi hoạt động của Tòa Hình sự Quốc tế trên lãnh thổ Nga, cũng như đưa ra hình thức xử phạt đối với mọi hành vi phối hợp hay hỗ trợ ICC"./.