Nga cảnh báo dùng “biện pháp quân sự mạnh hơn” ở Ukraine
VOV.VN - Nga sẽ dùng đến "các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn" trong cuộc xung đột ở Ukraine nếu Mỹ và các đồng minh không nhận ra rằng Moscow không thể bị thách thức không giới hạn, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với CNN trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền ngày 4/12.
"Rủi ro rất cao và chúng đang gia tăng. Điều đó gây lo ngại", ông Sergei Ryabkov nói, đồng thời cho biết căng thẳng chính trị hiện tại là chưa từng thấy, ngay cả vào "thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh".
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, "không có giải pháp thần kỳ nào" cho cuộc xung đột này. Ông nhận định có một sự thiếu sáng suốt và kiềm chế ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ - nơi mà "mọi người dường như đánh giá thấp quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của mình".
Ngày 3/12, chính quyền Tổng thống Biden đã công bố gói hỗ trợ an ninh trị giá 725 triệu USD cho Ukraine. Chính quyền Mỹ gọi gói hỗ trợ này là một nỗ lực nhằm đưa Kiev "vào vị thế mạnh nhất có thể" khi Nga tăng cường các cuộc tấn công và ông Biden chuẩn bị rời nhiệm sở trong vòng chưa đầy 2 tháng nữa.
Chính quyền Mỹ có vài tuần để sử dụng gần 7 tỷ USD, một phần của gói hỗ trợ lớn hơn được Quốc hội thông qua vào đầu năm nay nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột. Rủi ro leo thang quân sự không nên bị đánh giá thấp và phụ thuộc vào các quyết định của Washington, ông Ryabkov cho biết.
“Sẽ đến lúc chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dùng đến các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn", Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhận định, đồng thời nói thêm rằng khả năng leo thang sẽ không xảy ra "ngay lập tức".
Đề cập đến chính quyền Tổng thống Biden sắp mãn nhiệm, ông Ryabkov tuyên bố Nga sẽ đáp trả mọi hành động khiêu khích và "tìm cách khẳng định ý chí mạnh mẽ của chúng tôi".
Nga cũng đe dọa sẽ tấn công Ukraine một lần nữa bằng tên lửa đạn đạo có khả năng hạt nhân Oreshnik mà Moscow sử dụng trong cuộc tấn công lớn vào cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của đối phương cuối tháng 11.
Ông Ryabkov cho biết Oreshnik "không phải là tên lửa đạn đạo chiến lược, mà là tên lửa tầm trung đã được thử nghiệm trong chiến đấu".
Quyết định năm 2019 của ông Donald Trump khi rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí có từ nhiều thập kỷ giữa Mỹ và Nga, đã mở đường cho Moscow phát triển kho vũ khí đạn đạo mới của mình, ông Ryabkov cho hay.
Theo ông Ryabkov, Nga chưa liên lạc trực tiếp với ông Trump hoặc nhóm của ông liên quan đến những bình luận trước đó của tổng thống đắc cử về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine trong một ngày.
"Chúng tôi sẽ ở đó khi họ đưa ra ý tưởng ... nhưng không phải bằng cách đánh đổi lợi ích quốc gia của mình", Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.
Theo ông: "Cơ hội thỏa hiệp vào lúc này là bằng không. Thời điểm mà Kiev bắt đầu hiểu rằng Nga sẽ không đi theo con đường mà họ đề xuất - có thể sẽ có những cơ hội và sự mở đầu".