Nga cảnh báo thời điểm sử dụng tên lửa hạt nhân để đáp trả phương Tây
VOV.VN - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm 4/8 cảnh báo thời điểm nước này có thể phải sử dụng đến tên lửa hạt nhân để đáp trả các hành động của phương Tây. Động thái này diễn ra ngay sau khi Mỹ và Đức công bố kế hoạch triển khai các tên lửa chính xác tầm xa ở châu Âu - những loại vũ khí bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2019.
Phát biểu trên kênh truyền hình Russia 1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tuyên bố thời kỳ nhượng bộ đơn phương của Nga đã kết thúc. Điều này sẽ không thay đổi ngay cả trong kịch bản tồi tệ nhất của mối quan hệ với Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU).
Nhà ngoại giao Nga cảnh báo, đồng hồ Ngày tận thế hiển thị “chưa đầy 2 phút” - thời gian Nga có thể triển khai tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân để đáp trả hành động tương tự của các nước phương Tây. Điều này “không có nghĩa là tiến trình của đồng hồ là không thể đảo ngược”, song Nga cần tiếp cận những gì đang xảy ra với sự trách nhiệm, trong khi quân đội phải luôn sẵn sàng vì các kịch bản có thể rất khác nhau.
Đây cũng là lập trường được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trước đó tại St Petersburg: “Tình huống hiện nay gợi nhớ đến các sự kiện của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, liên quan đến việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung Pershing tại châu Âu. Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ tự coi mình thoát khỏi lệnh tạm hoãn đơn phương trước đây về việc triển khai các hệ thống tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc tăng cường năng lực của lực lượng ven biển của Hải quân Nga. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp, có tính đến các hành động của Mỹ và các đồng minh tại châu Âu, cũng như các quốc gia khác trên thế giới".
Sự xuất hiện trở lại tại châu Âu các loại vũ khí trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung mà Mỹ đã rút khỏi năm 2019 sẽ không chỉ đánh dấu sự trở lại của các mối đe doạ của những năm 1980, mà thậm chí còn gia tăng. Các hệ thống tên lửa tầm trung mới sẽ bao gồm cả các tên lửa siêu thanh, với tốc độ và độ chính xác vượt trội đảm bảo tiêu diệt mục tiêu trong vài phút sau khi được phóng.
Trong bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay, bất kỳ kịch bản nào liên quan đến một cuộc tấn công hạt nhân tại châu Âu đều có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện, với hậu quả quy mô toàn cầu. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây cảnh báo, những tiến bộ công nghệ và căng thẳng địa chính trị leo thang khiến nhân loại có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh hối thúc các quốc gia có vũ khí hạt nhân phải đi đầu trong việc thúc đẩy các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân mới.
Xung đột hạt nhân là điều mà không một quốc gia nào mong muốn, bao gồm cả Nga và Mỹ. Bất chấp căng thẳng bùng phát liên quan đến cuộc xung đột ở Ucraina, hai nước vẫn duy trì các đường dây liên lạc. Giữa tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm về tình hình Ucraina. Theo Chính phủ Nga, nước này vẫn ủng hộ việc tránh leo thang một cách chủ động.