Nga đang phát triển vaccine ngừa Covid-19 cho động vật
VOV.VN - Trong khi giới khoa học đang xem xét liệu động vật có lây Covid-19 cho con người không, Nga sẽ thử nghiệm vaccine Covid-19 cho động vật vào mùa thu này.
Theo các bài báo, Nga đang phát triển vaccine ngừa Covid-19 cho các loài động vật có nguy cơ mắc Covid-19 giữa bối cảnh câu hỏi về việc thú cưng có khả năng lây truyền dịch bệnh hay không vẫn chưa được trả lời.
Loại vaccine Covid-19 cho động vật này được Trung tâm Sức khỏe Động vật liên bang, một đơn vị của cơ quan giám sát thú y Rosselkhoznadzor phát triển và những mẫu vaccine đầu tiên sẽ được thử nghiệm vào mùa thu này, các quan chức Nga cho hay.
"Chúng tôi đang nỗ lực tạo ra vaccine cho động vật nhằm chống lại virus SARS-CoV-2", người đứng đầu Rosselkhoznadzor - Sergey Dankvert thông báo.
Ông Sergey Dankvert nhận định, các trang trại nuôi chồn sẽ cần đến loại vaccine này mặc dù vaccine có thể được sử dụng cho các loại thú cưng khác như mèo, nếu có đủ các chỉ dẫn từ bệnh viện thú y.
Tuy nhiên, trước tiên các nhà khoa học cần xem xét tính an toàn của vaccine cũng như hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Mặc dù cho biết vaccine Covid-19 cho động vật có thể bắt đầu quá trình thử nghiệm vào mùa thu này nhưng ông Dankvert nhận định vẫn "còn quá sớm" để nói về việc khi nào loại vaccine này sẽ được cung cấp.
Tại châu Âu, những người nông dân đã tiêu hủy 1 triệu con chồn như một biện pháp phòng ngừa giữa bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở loài động vật này tại Hà Lan, Đan Mạch và Tây Ban Nha. Virus SARS-CoV-2 có thể lây lan nhanh chóng giữa những con chồn do chúng tập trung đông đúc trong các trang trại.
Có những minh chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 lây lan giữa các loài động vật như chồn, mèo và chó với những trường hợp lây nhiễm có thể xuất phát từ việc tiếp xúc với người mắc bệnh.
Trong khi virus SARS-CoV-2 được cho là bắt nguồn từ dơi thì chưa có trường hợp nào cho thấy sự lây nhiễm từ động vật sang người mặc dù các nhà khoa học hiện vẫn đang điều tra về một số ca bệnh khả nghi.
Nhà dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Maria van Kerkhove trong một cuộc họp báo hồi tháng 6 cho biết: "Có những cá nhân lây bệnh cho chồn và đổi lại một vài con chồn này đã lây bệnh cho con người. Chúng tôi đang nghiên cứu về sự lây nhiễm kiểu này và vai trò của những con chồn".
Richard Ostfeld, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary tại Millbrook, New York nhận định trên Washington Post rằng, nếu được xác nhận, trường hợp các nông dân trong trang trại ở Hà Lan mắc Covid-19 từ chồn sẽ là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ động vật sang con người./.