Nga-Gruzia: Tranh cãi bao giờ kết thúc?

Hội nghị quốc tế lần thứ hai bàn về cuộc xung đột Nga - Georgia đã diễn ra ngày 18/11 tại Geneva (Thụy Sỹ). Song cũng như lần đầu tiên, hội nghị lần này đã không tránh khỏi thất bại.

Thay vì tìm giải pháp hòa giải, các bên tiếp tục chỉ trích, cáo buộc lẫn nhau. Những lời chỉ trích, đe dọa lẫn nhau giữa các bên là điểm nổi bật của hội nghị lần này. Phía Georgia tố cáo máy bay do thám không người lái của Nga rơi gần Nam Ossetia làm 10 cảnh sát Georgia bị thương. Nga khẳng định tuyên bố của Tbilisi là hoàn toàn sai sự thật và gọi đây là hành động khiêu khích nữa của giới lãnh đạo Georgia trên phương tiện truyền thông.

Nga tuyên bố sẵn sàng khôi phục mối quan hệ bình thường với Georgia song đồng thời cảnh báo việc Georgia “tăng cường sức mạnh quân sự nhờ sự hỗ trợ của các nước phương Tây có thể kéo theo một cuộc xung đột còn tồi tệ hơn cuộc chiến ngày 8/8”. Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã bày tỏ lo ngại trước việc Georgia tăng ngân sách quốc phòng tới mức chóng mặt, cũng như lo ngại nguy cơ khoản tiền viện trợ 4,5 tỷ USD mà cộng đồng quốc tế - chủ yếu là Mỹ và châu Âu- cam kết dành cho Tbilisi có thể được sử dụng để hiện đại hóa quân đội.

Không chỉ dừng lại ở tranh cãi giữa Nga và Georgia, phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Tbilisi cho biết có nhân viên của nhóm này đã bị bắn khi đang làm nhiệm vụ quan sát viên ở Abkhazia và đòi hỏi chính quyền ở Abkhazia điều tra vụ việc. Ngược lại, phía Nam Ossetia đưa ra thông tin rằng Tổ chức An ninh hợp tác châu Âu (OSCE) biết nhưng đã cố tình che giấu kế hoạch tiến hành chiến tranh của Georgia nhằm vào Nam Ossetia…. Còn các tổ chức nhân đạo quốc tế thì lại lên tiếng cáo buộc cả Georgia lẫn Nga đã gây thiệt hại cho dân thường ở Nam Ossetia trong cuộc chiến chớp nhoáng hồi tháng 8.

Tranh cãi căng thẳng và những cáo buộc quanh co, hội nghị quốc tế lần thứ hai về cuộc xung đột Nga - Georgia đã không tránh khỏi kết cục tất yếu là bế tắc như hội nghị lần đầu tiên. Trong khi quốc tế cố gắng tìm một giải pháp hòa giải, thì bản thân “người trong cuộc” Georgia lại vẫn muốn “bới móc” lại những vấn đề cũ để làm căng thẳng thêm vấn đề.

Đại sứ Georgia tại Liên Hợp Quốc đã yêu cầu Liên minh châu Âu phải tiến hành một cuộc điều tra quốc tế kỹ lưỡng để xác định chính xác Nga hay Georgia đã mở màn cuộc chiến trước. Điều này thể hiện ý đồ của Georgia muốn tiếp tục “quốc tế hóa” cuộc xung đột với Nga để núp dưới cái ô của phương Tây, đạt được mục tiêu gia nhập NATO và thu lợi từ những nguồn viện trợ khổng lồ.

Giới quan sát cho rằng, trừ phi có sự thay đổi trong chính quyền Tbilisi, cụ thể là sự thay thế nhân vật cứng rắn đứng đầu chính quyền này là Tổng thống Saakashvili, thì may ra mới có thể hy vọng một sự cải thiện trong quan hệ giữa Georgia với Nga. Về vai trò của bên thứ ba, xem ra Liên Hợp Quốc không thể hiện nhiều vai trò giải quyết cuộc xung đột trong khi Liên minh châu Âu có phần tích cực hơn thì lại không có đủ thẩm quyền. Hơn nữa, bản thân Liên minh châu Âu hiện vẫn giữ một thái độ “thăm dò và giám sát” đối với Nga cũng như chưa giang rộng vòng tay với Georgia.

Sẽ mất một thời gian khá dài nữa mới có thể hy vọng có được một giải pháp cho cuộc xung đột Nga- Georgia./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên