Nga hiện nay có bao nhiêu đầu đạn hạt nhân?
VOV.VN - Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) hồi đầu năm 2024 cho biết, Nga sở hữu khoảng 5.580 đầu đạn hạt nhân. Khoảng 1.200 đầu đạn trong số này đã loại biên, và xấp xỉ 4.380 đầu đạn vẫn được lưu kho, theo FAS.
Nga và Mỹ kiểm soát tổng cộng khoảng 90% kho vũ khí hạt nhân toàn thế giới. Hiện nay 9 quốc gia trên thế giới (bao gồm 3 nước NATO) sở hữu tổng cộng 12.000 vũ khí hạt nhân.
FAS ước tính quân đội Nga có thể đã triển khai 1.710 đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa và các căn cứ máy bay ném bom chiến lược, trong khi Mỹ triển khai xấp xỉ 1.670 đầu đạn chiến lược.
Hiệp ước START Mới đặt trần vũ khí hạt nhân chiến lược là 1.550 đầu đạn, với tối đa 700 tên lửa và máy bay ném bom tầm xa.
Mỹ và Nga triển khai lần lượt 1.419 và 1.549 đầu đạn hạt nhân chiến lược trên tên lửa hoặc máy bay tính đến tháng 7/2024, theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí.
Các hiệp ước vũ khí nói trên không điều chỉnh vũ khí hạt nhân chiến thuật (còn gọi là phi chiến lược).
Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 nói rằng họ tin là Nga sở hữu từ 1.000-2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật, bao gồm đầu đạn gắn trên tên lửa không đối đất, ngư lôi, bom trọng trường và mìn.
Trong thời gian dài vừa qua, Nga đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của mình, bao gồm việc đưa vào biên chế các tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmant và Yars.
Khi quân đội Nga tiến vào Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Putin đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân trong tình trạng báo động cao độ. Các tháng sau đó, Ngoại trưỏng Nga Lavrov cho hay nguy cơ xung đột hạt nhân đã tăng lên mức “đáng kể”.