Nga: Máy bay MH17 bị bắn hạ là do Ukraine phớt lờ quy định của ICAO
VOV.VN - Nga lập luận về việc Chính phủ Ukraine cần phải chịu trách nhiệm về thảm kịch máy bay MH17 bị bắn hạ tại miền Đông nước này.
RIA ngày 24/7 cho biết Kiev bị ràng buộc về luật pháp quốc tế theo đúng Công ước Chicago về Hàng không Dân dụng Quốc tế và quy định DOC 9554/932 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Theo RIA, Ukraine đã phê chuẩn Công ước Chicago vào năm 2003 và nghiễm nhiên trở thành thành viên của ICAO với tất cả những ràng buộc về pháp lý được áp dụng ngay khi nước này ký vào Công ước.
Một điều khoản sửa đổi của Công ước Chicago, còn được gọi là phụ lục của Điều 3 yêu cầu các nước ký kết phải “dừng mọi hành động sử dụng vũ khí tấn công các máy bay dân sự” bởi hành động này vượt quá khuôn khổ của những tiêu chuẩn và nguyên tắc thông thường liên quan đến việc một máy bay bay qua lãnh thổ của một quốc gia.
Chính vì vậy, không quốc gia nào được phép lợi dụng các cuộc đụng độ đang diễn ra tại lãnh thổ nước mình để cho mình quyền tấn công các máy bay thương mại và các loại máy bay dân sự khác.
Ngoài ra, ICAO cũng đã nêu rõ trong bản Hướng dẫn về đến các biện pháp an toàn liên quan đến những hành động quân sự có thể gây nguy hiểm cho các hoạt động của máy bay dân sự, rằng “trách nhiệm trong việc đề xuất quá trình điều phối các hoạt động nói trên nằm trong tay quốc gia có lực lượng quân sự tham gia vào các cuộc xung đột tại chính quốc gia đó” theo đúng đoạn 10.2 của Công ước Chicago.
Nói cách khác, việc đảm bảo an toàn cho máy bay MH17 bay qua không phận của Ukraine cần phải được Ukraine điều phối trước khi máy bay này bay qua đó theo đúng văn bản nói trên.
Ngoài ra, việc không thể điều phối hoặc điều phối không đầy đủ sẽ không được coi là một cách để chối bỏ việc ràng buộc trách nhiệm về đảm bảo an toàn của quốc gia có liên quan bởi “trách nhiệm về việc thực thi các biện pháp đặc biệt để đảm bảo việc hoạt động của máy bay dân sự quốc tế vẫn nằm trong trách nhiệm của nước cung cấp dịch vụ không lưu trong không phận bị ảnh hưởng bởi một cuộc xung đột ngay cả khi việc điều phối không phải là do nước này đề xuất hoặc thực hiện”.
Theo RIA, điều này loại trừ mọi khả năng Ukraine có thể lợi dụng những kẻ hở của luật pháp để trốn tránh trách nhiệm trong thảm kịch nói trên.
Máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines đã bị bắn hạ tại khu vực miền Đông Ukraine khiến 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Liên Hợp Quốc, Nga và nhiều quốc gia đã lên tiếng nhấn mạnh tầm quan trọng của một cuộc điều tra quốc tế minh bạch để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn.
Trong khi đó, chính quyền Ukraine đã buộc tội lực lượng ly khai tại Donetsk đã tiến hành vụ bắn hạ nói trên sử dụng tên lửa đất đối không.
Tuy nhiên, lãnh đạo của Nhà nước Nhân dân Donetsk tự phong cho biết lực lượng ly khai không có loại vũ khí nào có thể bắn hạ máy bay thương mại đang bay ở độ cao thông thường (khoảng 10km).
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 21/7, đại diện quân đội Nga đã đưa ra một số dữ liệu cho thấy hệ thống giám sát của Nga đã phát hiện ra 4 hệ thống phòng thủ trên không BUK M1 của Ukraine đang hoạt động gần khu vực xảy ra tai nạn máy bay MH17 trong ngày diễn ra thảm kịch nói trên.
Dữ liệu này cùng với thông tin Ukraine tăng cường các hoạt động radar cũng như việc máy bay quân sự Su-25 của nước này áp sát máy bay MH17 trước khi máy bay MH17 bị bắn hạ cho thấy có rất nhiều nghi vấn nhằm vào Ukraine.
Dù các cuộc điều tra đang được tiến hành nhưng rõ ràng việc Ukraine vi phạm các Công ước Chicago dẫn đến thảm kịch MH17 là điều khó có thể phủ nhận./.