“Nga phải thực tế vì các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không bao giờ chấm dứt”
VOV.VN - Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt lên Nga sẽ được thực hiện mãi mãi, do đó, Moscow cần nhìn nhận thực tế và chấp nhận rằng chúng sẽ không bao giờ được dỡ bỏ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cảnh báo.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 7/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Pankin nhận định với báo giới rằng các lệnh trừng phạt đã ăn sâu vào hành động của các nước phương Tây và vì thế việc tách rời chúng là điều bất khả thi.
"Các lệnh trừng phạt sẽ luôn tồn tại và sẽ được thực hiện mãi. Chúng ta cần nhìn nhận một cách thực tế", Thứ trưởng Pankin nhận định.
Bình luận của nhà ngoại giao Nga đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Putin cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới St. Petersburg rằng Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Nga dù có hay không có lý do.
Phản hồi trước đánh giá trên của Thứ trưởng Ngoại giao, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích, từ trước tới nay, đã có hơn 90 lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.
"Các lệnh trừng phạt không giúp đạt được bất kỳ mục tiêu nào", ông Peskov đánh giá, đồng thời cho rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng cần dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Tháng trước, Dmitry Birichevsky, giám đốc Cơ quan Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo các ngân hàng của Nga có thể bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT như một phần trong các lệnh hạn chế mới nhắm vào Moscow. SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu được thành lập tại Brussels (Bỉ) ngày 3/5/1973 và được hỗ trợ bởi 239 ngân hàng tại 15 quốc gia.
Hồi tháng 4/2021, Mỹ áp lệnh trừng phạt mới lên Nga, cáo buộc điện Kremlin can thiệp bầu cử và có liên quan đến vụ tấn công mạng SolarWinds. Vòng trừng phạt hồi tháng 4 diễn ra sau khi các biện pháp được áp đặt vào tháng 3 nhằm vào các quan chức Nga mà Washington cho là có liên quan đến vụ bắt giữ nhân vật đối lập Alexey Navalny. Mỹ cũng thông báo mở rộng các biện pháp hạn chế với việc xuất khẩu sang Nga, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến quốc phòng./.