Nga phản ứng trước hơn 500 lệnh trừng phạt mới của phương Tây
VOV.VN - Phản ứng trước hơn 500 lệnh trừng phạt mới của Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục áp đặt lên Nga sau tròn 2 năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dimitry Peskov hôm qua (26/2) đã có những phát biểu cứng rắn liên quan vấn đề này.
Theo ông Dimitry Peskov, việc nền kinh tế Nga tiếp tục tăng trưởng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, thậm chí Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong 10 tháng của năm ngoái đã tăng 3,2% và được kì vọng sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm nay - con số vượt mức so với thời điểm trước khi bị phương Tây trừng phạt đã cho thấy sự ổn định, khả năng thích nghi của nền kinh tế Nga, cũng như sự “kém hiệu quả” của các lệnh trừng phạt được áp đặt lên nước này.
Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định chính lệnh trừng phạt của phương Tây đã thúc đẩy các doanh nghiệp nước này đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nga đang thấp kỷ lục, khác xa các nước châu Âu ở thời điểm hiện tại.
“Về cơ bản, không có gì mới được công bố. Nó cũng giống như việc Mỹ và đồng minh không thể nghĩ ra bất cứ biện pháp trừng phạt nào mà không gây tổn hại đến chính họ. Những lệnh trừng phạt đang áp dụng lên Nga giống như hiệu ứng của một chiếc boomerang, hãy nhìn nền kinh tế châu Âu đang bị ảnh hưởng như thế nào khi sử dụng hàng nghìn lệnh trừng phạt lên chúng tôi. Lợi ích của các công ty Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì những quyết định trên. Điều này chứng tỏ nền kinh tế Nga đã cho thấy được sự ổn định, khả năng thích nghi và sẽ tiếp tục phát triển bất chấp điều gì xảy ra”.
Trước đó, đúng vào thời điểm đánh dấu tròn 2 năm xung đột Nga - Ukraine nổ ra, trong hai ngày 22 và 23/2 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ lần lượt công bố các gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, trọng tâm là mảng tài chính, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, các công ty nhà nước và các cá nhân, tổ chức Mỹ cho là hỗ trợ Nga trong việc “lách” các lệnh trừng phạt trước đó.
Thậm chí một số nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang thúc giục Mỹ tịch thu khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga trên khắp thế giới và sử dụng chúng để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, quá trình này rất phức tạp và cũng chưa được Liên minh châu Âu chấp thuận do lo ngại một cuộc khủng hoảng về mặt pháp lý và những rủi ro tài chính có thể gặp phải khi thực hiện.