Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Châu Âu lâu dài
VOV.VN - Điện Kremlin ngày 22/11 cho biết, tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi, Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định, Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt lâu dài cho Châu Âu.
Theo sáng kiến của Thủ tướng Italy Mario Draghi, chủ đề hợp tác trong lĩnh vực năng lượng đã được nêu ra trong cuộc điện đàm. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt cho Châu Âu lâu dài và không bị gián đoạn, bao gồm cả việc sử dụng khả năng của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Trước đó, Cơ quan quản lý năng lượng Đức thông báo tạm dừng quá trình cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2 với tư cách công ty vận hành độc lập. Việc cấp phép này có thể xem xét khi công ty có hình thức pháp lý phù hợp với luật pháp Đức. Điện Kremlin tin rằng, việc cấp phép vận hành tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 là một "quá trình phức tạp" và Đức tạm dừng tiến trình cấp phép hoàn toàn không phải vì lý do chính trị.
Một nội dung quan trọng khác trong cuộc điện đàm được hai nhà lãnh đạo Nga-Italy thảo luận chi tiết là tình hình biên giới của Belarus với các nước EU. Đặc biệt, Tổng thống Nga đã thu hút sự chú ý đến những vi phạm có hệ thống của Ba Lan đối với các nghĩa vụ quốc tế về bảo vệ quyền của người tị nạn, sự thật về đối xử tàn nhẫn đối với người di cư của lực lượng biên phòng Ba Lan. Cả hai bên đều nhấn mạnh tính hiệu quả của việc thiết lập mối quan hệ tương tác trên thực tế giữa Liên minh châu Âu và Minsk nhằm sớm giải quyết cuộc khủng hoảng theo các tiêu chuẩn của luật nhân đạo, đã được thảo luận trong các cuộc điện đàm gần đây của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko với quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Khi trao đổi quan điểm về cuộc xung đột nội bộ Ukraine, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh rằng, Kiev vẫn khăng khăng từ chối thực hiện các thỏa thuận Minsk và các thỏa thuận đạt được ở định dạng Normandy. Tổng thống Putin và Thủ tướng Mario Draghi đặc biệt lo ngại các bước đi khiêu khích của phía Ukraine nhằm cố tình làm trầm trọng thêm tình hình ở Donbass, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí bị cấm theo Gói biện pháp Minsk./.