Nga sẽ phản ứng thế nào sau vụ nổ trên cầu Crimea?
VOV.VN - Câu hỏi được một số nhà quan sát đặt ra hiện nay là Nga sẽ phản ứng thế nào sau vụ nổ trên cầu Crimea? Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu Nga có coi đây là biểu hiện cho thấy "lằn ranh đỏ đã bị vượt qua" hay không.
Ngày 9/10, tại cuộc gặp với người đứng đầu Uỷ ban Điều tra Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã lên án vụ nổ trên cầu Crimea xảy ra trước đó 1 ngày, gọi đây là hành vi tấn công khủng bố, đồng thời cáo buộc các cơ quan đặc nhiệm Ukraine đứng đằng sau. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cáo buộc vụ nổ là "hành vi phá hoại của Ukraine" trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi những gì xảy ra là "một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự với bản chất khủng bố".
Theo các nhà chức trách Nga, sáng 8/10, một vụ nổ xảy ra trên cầu Crimea đã khiến 3 người thiệt mạng và 7 bồn chứa nhiên liệu được vận chuyển bằng tàu tới Crimea bắt lửa. Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia Nga sau đó cho biết, cây cầu nối Bán đảo Crimea với lục địa Nga đã bị hư hại trong một vụ đánh bom xe.
Câu hỏi được một số nhà quan sát đặt ra hiện nay là Nga sẽ phản ứng thế nào trước vụ nổ trên cầu Crimea? Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu Nga có coi đây là biểu hiện cho thấy "lằn ranh đỏ đã bị vượt qua" hay không.
Một số chuyên gia Thụy Điển đánh giá, Nga sẽ đáp trả tương xứng trước vụ việc trên. Một trong những dự báo phổ biến nhất là Moscow sẽ nhắm vào các chuyến vận chuyển vũ khí ở bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Tass, ông Aleksey Polischuk - Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhận định, việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các vũ khí tầm xa với uy lực mạnh hơn sẽ là lằn ranh đỏ với Nga.
Malcolm Dixelius - một nhà báo Thụy Điển, nhà làm phim tài liệu và chuyên gia về Nga dự đoán, các đợt vận chuyển vũ khí tới Ukraine sẽ trở thành một trong các mục tiêu của Moscow.
"Hoàn toàn không bất ngờ nếu họ phá hủy tàu vận chuyển vũ khí ở một quốc gia khác", ông Malcolm Dixelius nhận định.
Ilmari Kaikho, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển ở Stockholm thì cho rằng vụ nổ trên không phải là lý do để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Tôi không nghĩ ai đó sẽ bắt đầu cuộc chiến hạt nhân vì một cây cầu".
Nhà phân tích quân sự Anders Puck Nielsen thuộc Học viện Quốc phòng Đan Mạch thì cho rằng cầu Crimea có vai trò rất quan trọng với cuộc chiến của Nga ở phía Nam Ukraine.
"Cây cầu này rất cần thiết với Nga để cung cấp hậu cần tới tiền tuyến phía Nam. Nếu không thể cung cấp hậu cần tới đây, họ sẽ trải qua một quãng thời gian vô cùng khó khăn khi phải chiến đấu với quân đội Ukraine"./.