Nga thay đổi chiến lược giữa lúc căng thẳng leo thang với phương Tây
VOV.VN - Chính phủ Nga mới đây tuyên bố huỷ bỏ lệnh tạm dừng triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn nhằm đáp trả động thái tương tự của Mỹ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã chính thức bị xoá sổ.
Trong một thông báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước này lấy làm tiếc về sự đổ vỡ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí nhằm kiềm chế chạy đua vũ trang và giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Ông đồng thời cho biết, Mỹ đã triển khai các loại vũ khí như vậy ở nhiều khu vực trên thế giới.
Khi được hỏi về số phận Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START) sẽ hết hạn vào tháng 2/2026, nhà ngoại giao hàng đầu Nga cho biết, hiện tại không có điều kiện nào cho một cuộc đối thoại chiến lược với Mỹ. Đây cũng là lập trường được Ngoại trưởng Sergei Lavrov đề cập nhiều lần trước đó.
“Mỹ và các đồng minh đã vứt bỏ tất cả, cũng như hiệp ước chống tên lửa đạn đạo và hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ lại làm như vậy? Câu trả lời là hiển nhiên: đó là đưa NATO trở lại tâm điểm chính trị… Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang chuyển cấu trúc NATO vào khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Các khối quân sự đang được thành lập ở đó, với vũ khí hạt nhân và nhiều cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của Mỹ”, ông Lavrov nói.
Được ký vào năm 1987 dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachew và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Ronald Reagan, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là một phần của một loạt các hiệp định kiểm soát vũ khí định hình nên khuôn khổ an ninh Châu Âu- Đại Tây Dương sau Chiến tranh Lạnh. Hiệp ước cấm Mỹ và Liên Xô sở hữu, sản xuất hoặc thử nghiệm tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km.
Năm 2019, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước, viện dẫn các hành vi vi phạm của Nga liên quan đến hệ thống tên lửa SSC-8. Chính quyền Tổng thống Donald Trump khi đó lập luận rằng những tên lửa này vượt quá giới hạn tầm bắn do hiệp ước đặt ra, gây ra rủi ro an ninh cho Tây Âu. Sau khi hiệp ước sụp đổ, Nga đã tuyên bố lệnh tạm dừng đơn phương việc triển khai tên lửa mới ở châu Âu. Tuy nhiên Chính phủ Nga đang báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược quốc phòng của mình trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Ucraina.
Tháng 7 vừa qua, Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa tiên tiến tại Đức vào năm 2026, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk, hệ thống SM-6 và vũ khí siêu thanh đang phát triển. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh động thái, mô tả phù hợp với chiến lược an ninh của chính phủ nước này. Cả các quan chức Nga và Mỹ đều đổ lỗi cho nhau về việc gây ra sự leo thang hiện tại. Một số chuyên gia tin rằng việc triển khai tên lửa ở châu Âu, sau sự sụp đổ của Hiệp ước INF, có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới.