Nga – Trung tiếp tục thương lượng về vấn đề khí đốt

VOV.VN - Phát ngôn viên Tổng thống Nga cho hay, các cuộc thương lượng vẫn tiếp diễn và có thể hoàn tất bất cứ lúc nào.

Bất chấp việc 2 nhà lãnh đạo Nga – Trung luôn dành cho nhau những lời “có cánh” khi ông Putin có cuộc hội kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải hôm 20/5, Nga và Trung Quốc vẫn chưa thể đặt bút ký vào thỏa thuận khí đốt lịch sử trị giá 400 tỷ USD như nhiều người kỳ vọng trước đó.

Reuters dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, đoàn đàm phán của 2 nước đã không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề giá cả - điều này đồng nghĩa với việc hợp đồng không được ký kết vào ngày 20/5 như nhiều người mong đợi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)

Trước đó, nhiều người đã cho rằng, bản hợp đồng lịch sử sẽ sớm được hoàn thành bởi trong bối cảnh Nga đang phải đối mặt với sự cô lập về kinh tế và chính trị của Phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Nga rất thiện chí để thực hiện hợp đồng với Trung Quốc.

Mặc dù chưa được ký kết, nhưng hợp đồng mua – bán khí đốt vẫn có thể được hoàn tất trước khi ông Putin rời Trung Quốc trong ngày 21/5 hoặc tại một diễn đàn kinh tế dự kiến sẽ diễn ra ở thành phố St Petersburg của Nga vào cuối tuần này.

Reuters dẫn lời ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Putin nói: “Các nhà đàm phán vẫn tiếp tục làm việc để giải quyết những bất đồng về giá cả, vì thế, vẫn có khả năng có điều gì đó mới mẻ trước khi ông Putin rời Trung Quốc ngày hôm nay hoặc trong diễn đàn kinh tế tổ chức tại thành phố St. Petersburg của Nga cuối tuần này”.

Ông Peskov nói thêm: “Chuyến thăm của Tổng thống hiện vẫn chưa kết thúc. Các cuộc thương lượng vẫn tiếp tục trong ngày hôm nay và có thể hoàn tất bất cứ lúc nào”.

Trong khi phía Nga muốn bán với mức giá khoảng 400 USD/1.000m3 ( có thể dao động thêm bớt khoảng 20 USD) thì Trung Quốc muốn áp dụng “mức giá linh hoạt theo từng thời điểm”. Mặt khác, Nga muốn nhận một khoản ứng trước 25 - 30 tỷ USD để xây dựng và hoàn thiện hệ thống đường ống dẫn sang Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại không đồng ý với phương án này.

Ông Gordon Kwan, Giám đốc Viện Nghiên cứu về dầu khí và khí đốt Nomura Research cho rằng, với tình thế của Nga hiện nay, dù Trung Quốc thực sự cần lượng khí đốt cực lớn (theo dự đoán, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ nay đến năm 2020) thì Bắc Kinh vẫn đang ở ‘cửa trên’ so với Moscow.

Ông Kwan giải thích: “Trung Quốc thực sự muốn ép giá thấp hơn. Họ có các lựa chọn khác như dự án khí đốt ở Tứ Xuyên hay mua khí tự nhiên hóa lỏng ở Bắc Mỹ. Tôi nghĩ rằng, sẽ là một sai lầm lớn nếu Nga không thể đồng ý ký kết thỏa thuận với Trung Quốc chỉ vì vấn đề giá cả”.

Trước khi ông Putin đến Thượng Hải, nhiều chuyên gia phân tích đã dự đoán rằng lãnh đạo hai nước sẽ ký kết thỏa thuận, theo đó, cho phép Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) cung cấp cho Tổng công ty xăng dầu nhà nước Trung Quốc (CNPC) 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm trong thời hạn 30 năm.

Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, nhưng giới quan sát nhận định ông Putin đã giành được sự đồng thuận từ phía Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Ukraine.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp của hai vị lãnh đạo, Nga và Trung Quốc đều đã lên tiếng kêu gọi làm giảm căng thẳng ở Ukraine và cho rằng cần có “các giải pháp chính trị, hòa bình để giải quyết các vấn đề hiện nay ở Ukraine”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên