Nga và EU đang đối mặt với hậu quả của các biện pháp trừng phạt
VOV.VN - Nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với những khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài mấy tháng qua đang đẩy mối quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh với các biện pháp trừng phạt trả đũa lẫn nhau. Tuy nhiên, giải pháp gia tăng sức ép này đã không chứng minh được hiệu quả khi không thể giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine mà đang có tác dụng ngược trở lại.
Mỹ và các đồng minh gia tăng chỉ trích Nga sau cuộc bầu cử tại miền Đông Ukraine hôm 2/11 vừa qua. Mỹ và Liên minh châu Âu ngày 11/11 cảnh báo thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, với cáo buộc nước này vũ trang cho lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine.
Phát biểu khi đang ở thăm Berlin, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết, Ngoại trưởng Liên minh châu Âu sẽ có cuộc họp tại Brussels (Bỉ) vào tuần tới để xem xét gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Bà Federica Mogherini nói: “Tuần tới, chúng tôi sẽ có cuộc họp Bộ trưởng tại Brussels. Chúng tôi không chỉ thảo luận việc có tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga hay không, mà còn phải tìm cách giúp đỡ Ukraine vượt qua những khó khăn hiện nay, về an ninh, kinh tế, năng lượng…”
Thủ tướng Anh David Cameron ngày 11/11 cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào các cá nhân, công ty và ngành công nghiệp của Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea vào tháng 3 vừa qua đã có tác dụng thực sự. Các nước nên tiếp tục gia tăng sức ép này.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với những khó khăn do tác động của những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đồng ruble của Nga ngày 11/11 tiếp tục giảm so với đồng euro và USD- một ngày sau khi Ngân hàng trung ương nước này cho phép thả nổi đồng nội tệ. Kinh tế của Nga cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá dầu giảm và ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt.
Ngân hàng trung ương Nga dự đoán, Nga sẽ không đạt tốc độ tăng trưởng trong năm 2015 và chỉ đạt tăng trưởng 0,1 % trong năm 2016. Nhiều doanh nghiệp của Nga đang phải đối mặt với những thiệt hại nặng nề sau khi các công ty châu Âu chấm dứt hợp đồng và đẩy giá cả tại Nga leo thang.
Phát biểu khi tham dự diễn đàn APEC ngày 11/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận sự liên quan giữa việc đồng ruble trượt giá với nền kinh tế Nga, và cho biết ngân hàng trung ương sẽ sớm đưa ra các biện pháp ngăn chặn đà sụt giảm này.
Thủ tướng Nga Mevedev cũng khẳng định, đồng nội tệ của Nga sẽ sớm ổn định trở lại: “Không có lí do cơ bản nào cho thấy đồng ruble tiếp tục giảm sâu hơn khi các chỉ số kinh tế chính vẫn ổn định. Chúng tôi có dự trữ và xin khẳng định rằng, hệ thống ngân hàng của Nga vẫn khá ổn định”.
Mỹ và Liên minh châu Âu khơi mào đầu tiên cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt với hy vọng Nga sẽ có lập trường linh hoạt hơn trong cách tiếp cận với Ukraine. Tuy nhiên, chính các nước châu Âu cũng đang phải đối mặt với hậu quả ngày càng rõ rệt do các biện pháp trừng phạt này mang lại.
Ngoại trưởng Nga Lavrov mới đây cho rằng, nền kinh tế của Liên minh châu Âu sẽ tổn thất khoảng 40 tỉ euro trong năm nay và tăng lên tới 50 tỉ euro vào năm tới do hậu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, Liên minh châu Âu cũng chứng kiến sự mâu thuẫn nội bộ, do tác động khác nhau của biện pháp trừng phạt đối với mỗi nước thành viên.
21 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu ngày 11/11 ký tuyên bố yêu cầu hỗ trợ đầy đủ cho nông dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận rau quả, thực phẩm do Nga áp đặt. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stéphane Le Foll cảnh báo, 21 quốc gia này sẽ ngăn cản các cuộc thảo luận về ngân sách châu Âu năm 2015 nếu họ không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây được cho là sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, đến thời điểm này, miền đông Ukraine vẫn chưa ngừng tiếng súng, trong khi nền kinh tế của quốc gia 46 triệu dân này vẫn đang đứng trên bờ vực của sự vỡ nợ.
Ukraine hiện ngập sâu vào các khoản nợ nần khí đốt với Nga và phụ thuộc nhiều vào các khoản vay quốc tế. Tuy vậy, Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục có những cảnh báo mới gia tăng trừng phạt nhằm vào Nga, mặc dù các bên đều hiểu rằng, trừng phạt là con dao hai lưỡi đang gây hại cho chính những nước áp đặt và nước bị trừng phạt./.