Nga và Iran nâng cấp quan hệ đối tác cũ trong cuộc chơi mới

VOV.VN - Chỉ 3 ngày trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump trở lại Nhà Trắng, Nga và Iran ký "thỏa thuận đối tác toàn diện" đã được chuẩn bị trong nhiều tháng.

Đây là động thái một lần nữa thu hút sự chú ý vào mối quan hệ đối tác đã định hình chiến trường ở Ukraine và được cho là sẽ thách thức trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, ngay cả khi chính quyền mới của Mỹ hứa hẹn sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Nga.

Nga và Iran có một quá khứ phức tạp, đầy rẫy xung đột và thậm chí hiện vẫn đang đi trên ranh giới mong manh giữa hợp tác và ngờ vực. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine đã kéo Moscow và Tehran xích lại gần nhau.

"Ý tưởng coi Mỹ không chỉ là đối thủ mà còn là mục tiêu chiến lược của mọi chính sách đối ngoại đã đưa họ xích lại gần nhau hơn", ông Jon Alterman, Giám đốc Trung tâm Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington nhận định với CNN.

Tháng 7/2022, 5 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm Tehran. Đằng sau những bức ảnh và những cái bắt tay, chiến dịch quân sự của Nga được giới quan sát phương Tây cho là không diễn ra theo kế hoạch. Quân đội Nga đã mất đi thành quả ban đầu, bị đẩy ra khỏi Kiev cũng như đối mặt với một số tổn thất vào cuối năm đó trong 2 cuộc phản công của Ukraine.

Theo giới phân tích, việc chuyển hướng sang Tehran đã mang lại thành quả cho Nga. Nhờ một thỏa thuận được ký kết sau chuyến thăm đó, Nga hiện đang sản xuất hàng nghìn UAV tấn công Shahed do Iran thiết kế tại nhà máy ở Tatarstan. Một cuộc điều tra của CNN vào tháng 12/2024 cho thấy tỷ lệ sản xuất tại cơ sở này đã tăng gấp đôi vào năm 2024.

Những chiếc máy bay không người lái đó đã tạo thành xương sống cho cuộc xung đột tiêu hao của Moscow ở Ukraine. Các bầy đàn UAV đã nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine cũng như làm suy yếu hệ thống phòng không của nước này.

Theo thống kê của CNN dựa trên báo cáo của lực lượng không quân Ukraine, Nga đã triển khai hơn 11.000 tên lửa ở Ukraine vào năm ngoái, gấp hơn 4 lần so với ước tính chỉ hơn 2.500 tên lửa vào năm 2023. Theo Mỹ, Moscow cũng đã tiếp nhận tên lửa đạn đạo của Iran và mặc dù chưa có bằng chứng về việc triển khai tên lửa này nhưng riêng tin tức đó đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Điện Kremlin sẵn sàng leo thang ở Ukraine.

Một số blogger quân sự nổi tiếng của Nga nhận định vào đầu tháng 1/2025 song không đưa ra bằng chứng, rằng các bệ phóng tên lửa và trang thiết bị khác của Iran đang được chuyển đến các bãi huấn luyện quân sự của Nga trước khi ký kết thỏa thuận.

Hai năm rưỡi kể từ chuyến thăm Tehran của Tổng thống Putin, động lực chiến trường đã thay đổi đáng kể với cả hai bên. Nga hiện đang chiếm ưu thế ở Ukraine. Moscow đã kiểm soát thêm một số vùng lãnh thổ ở mặt trận phìa Đông và từ từ đẩy lùi Ukraine khỏi khu vực Kursk của nước này. Chính quyền ông Trump sắp nhậm chức muốn bắt đầu các cuộc đàm phán và đang lên tiếng về việc tiếp tục để Nga giữ các vùng lãnh thổ mà họ chiếm được cũng như trì hoãn nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine.

Cuộc gặp hôm 17/1 giữa ông Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cũng mang đến cho Moscow một cơ hội để khẳng định hình ảnh bản thân như một siêu cường.

Jean-Loup Samaan, học giả cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định với CNN rằng Nga coi mối quan hệ này là "không cân xứng".

"Họ vẫn coi mình là đối tác lớn hơn ở đây và Iran là đối tác khu vực".

Trong khi đó, Iran đang cảm thấy rõ ràng là kém an toàn hơn. Ông Nikita Smagin, chuyên gia độc lập về Nga và Iran cho rằng, Iran đang gấp rút ký kết thỏa thuận này với Nga trong bối cảnh an ninh của họ bị đe dọa.

"Họ sợ chính quyền ông Trump, Israel, sự sụp đổ của chính quyền ông Assad và sự sụp đổ của Hezbollah", ông nói, đồng thời giải thích rằng Iran đang tìm kiếm sự ủng hộ.

Một số nhà quan sát nhận định, Moscow có thể đang tìm cách khai thác điều này. Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ tính toán của Nga là gì.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Iran tập trận phòng không giữa lúc căng thẳng với Israel và Mỹ lên cao
Iran tập trận phòng không giữa lúc căng thẳng với Israel và Mỹ lên cao

VOV.VN - Truyền thông nhà nước Iran đưa tin, nước này đã tổ chức các cuộc tập trận phòng không vào ngày 11/1, giữa lúc căng thẳng với Israel và Mỹ lên cao.

Iran tập trận phòng không giữa lúc căng thẳng với Israel và Mỹ lên cao

Iran tập trận phòng không giữa lúc căng thẳng với Israel và Mỹ lên cao

VOV.VN - Truyền thông nhà nước Iran đưa tin, nước này đã tổ chức các cuộc tập trận phòng không vào ngày 11/1, giữa lúc căng thẳng với Israel và Mỹ lên cao.

Đằng sau tuyên bố gây sốc của tướng Iran về “thất bại thảm hại” ở Syria
Đằng sau tuyên bố gây sốc của tướng Iran về “thất bại thảm hại” ở Syria

VOV.VN - Trong suốt vài tuần qua, các quan chức Iran đã giảm nhẹ thất bại của họ ở Syria. Tuy nhiên, tướng Behrouz Esbati đã đưa ra một cái nhìn cực kỳ thẳng thắn về cú sốc đối với Tehran và triển vọng quân sự của nước này trong khu vực.

Đằng sau tuyên bố gây sốc của tướng Iran về “thất bại thảm hại” ở Syria

Đằng sau tuyên bố gây sốc của tướng Iran về “thất bại thảm hại” ở Syria

VOV.VN - Trong suốt vài tuần qua, các quan chức Iran đã giảm nhẹ thất bại của họ ở Syria. Tuy nhiên, tướng Behrouz Esbati đã đưa ra một cái nhìn cực kỳ thẳng thắn về cú sốc đối với Tehran và triển vọng quân sự của nước này trong khu vực.

Iran tuyên bố chưa bao giờ tìm cách ám sát ông Trump
Iran tuyên bố chưa bao giờ tìm cách ám sát ông Trump

VOV.VN - Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định Iran chưa bao giờ tìm cách ám sát ông Donald Trump và cũng không có kế hoạch làm điều đó.

Iran tuyên bố chưa bao giờ tìm cách ám sát ông Trump

Iran tuyên bố chưa bao giờ tìm cách ám sát ông Trump

VOV.VN - Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian khẳng định Iran chưa bao giờ tìm cách ám sát ông Donald Trump và cũng không có kế hoạch làm điều đó.