Ngày Mỹ trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn còn xa?
VOV.VN - Cuộc họp các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 diễn ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Biden để ngỏ khả năng quay lại thỏa thuận này.
Hôm qua (16/12), đại diện các nước Trung Quốc, Pháp, Nga, Iran, Đức và Anh - những nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đã nhóm họp để thảo luận về vấn đề hạt nhân của Iran, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden mới đây để ngỏ khả năng quay trở lại thỏa thuận này. Tuy nhiên, để Mỹ trở lại, Iran tuân thủ các cam kết, các bên liên quan vẫn còn rất nhiều việc phải làm phía trước, đặc biệt trong lúc mối quan hệ Mỹ - Iran hiện nay vẫn rất căng thẳng.
Cuộc họp các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 diễn ra theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của bà Helga Schmid - quan chức ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU). Cuộc họp kéo dài 2 giờ đồng hồ, song nội dung thảo luận chi tiết không được công bố chính thức.
Trước khi cuộc họp diễn ra, Đại sứ Nga tại các tổ chức quốc tế tại Vienna, Áo, ông Mikhail Ulyanov cho biết, trọng tâm của cuộc họp là thảo luận về cách thức “bảo vệ thỏa thuận hạt nhân và đảm bảo việc thực thi thỏa thuận công bằng và đầy đủ”.
Một nhà ngoại giao khác thì cho biết, Iran đã được khuyến nghị tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và tạo không gian cho hoạt động ngoại giao. Nhà ngoại giao này thừa nhận cuộc họp này diễn ra không đúng thời điểm tốt nhất do những diễn biến khó đoán định trong khoảng từ nay đến 20/1/2021 - thời điểm ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Từ lâu, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Tehran sẵn sàng quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ngay khi các nước còn lại tuân thủ cam kết. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden thể hiện ông sẵn sàng tham gia trở lại thỏa thuận với những điều kiện đi kèm.
Tuy nhiên, căng thẳng leo thang trong quá khứ, cộng thêm vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh vào tháng trước đã làm gia tăng căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực. Sau vụ việc, các nghị sĩ Iran đã thông qua một dự luật kêu gọi mở rộng hơn nữa chương trình hạt nhân của Iran và chấm dứt thanh tra cơ sở hạt nhân của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Trong khi đó, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hôm qua tuyên bố, Mỹ vẫn là kẻ thù của nước này dù ai làm Tổng thống: “Đừng tin tưởng vào kẻ thù. Đó là lời khuyên chắc chắn của tôi. Bạn đã thấy những gì nước Mỹ dưới thời Donald Trump hay nước Mỹ dưới thời Barack Obama đã làm với Iran. Sự thù địch sẽ không dừng lại khi chính quyền Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ. Trong khi đó, 3 quốc gia châu Âu cũng đạo đức giả với Iran”.
Tuyên bố của lãnh đạo Iran được đưa ra cùng ngày hãng tin Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cho biết, chính quyền Mỹ mới sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí “trừng phạt” để định hình lại chính sách đối ngoại, trong đó có Iran. Tuy nhiên, ông Biden sẽ phải phân loại lệnh trừng phạt nào nên giữ, lệnh nào nên hủy bỏ và lệnh nào tiếp tục mở rộng.
Căng thẳng Mỹ - Iran thực sự khiến con đường quay lại thỏa thuận hạt nhân của chính quyền Mỹ sắp tới sẽ dài hơn. Thêm vào đó, hiện chưa rõ điều kiện mà chính quyền Mỹ mới đưa ra để quay lại là gì. Nhiều ý kiến cho rằng, Mỹ vẫn đang muốn đàm phán lại và đưa chương trình tên lửa đạn đạo của Iran vào đàm phán. Vài ngày trước, các nhà lập pháp Anh - quốc gia cũng tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 cũng đã hối thúc chính phủ nước này thúc đẩy những nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm thỏa thuận mới thay thế thỏa thuân hạt nhân năm 2015. Trong một báo cáo, Ủy ban Giám sát quan hệ đối ngoại của Quốc hội Anh cho biết thỏa thuận hạt nhân hiện chỉ còn là “lớp vỏ”, trong khi các điều khoản trong đó “khó có thể sửa chữa”.
Tuy nhiên, Iran vẫn luôn bác bỏ cả việc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân hay việc thỏa hiệp về chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này. Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, chương trình tên lửa có ý nghĩa phòng thủ của nước này là vấn đề không thể đem ra thương lượng./.