Ngày quốc tế Pháp ngữ 2020: Thế giới chung tay đối phó Covid-19
VOV.VN - Dù không phải là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế, song Tổ chức quốc tế Pháp ngữ luôn cố gắng hỗ trợ phòng chống Covid-19.
Ngày quốc tế Pháp ngữ hàng năm (20/03) là dịp để những người nói tiếng Pháp thể hiện sự gắn bó với tiếng Pháp, khẳng định tình đoàn kết và mong muốn được chung sống cùng nhau trong sự khác biệt và đa dạng, cũng như đề cao những giá trị toàn cầu của nhân loại.
Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo. Ảnh: AP |
Ngày quốc tế Pháp ngữ năm nay càng đặc biệt hơn khi đánh dấu tròn 50 năm tổ chức này ra đời (20/03/1970) và cũng diễn ra trong một bối cảnh vô cùng đặc biệt khi đại dịch Covid 19 đang lây lan rộng trên khắp thế giới. 88 quốc gia thành viên của Tổ chức quốc tế lớn thứ 2 chỉ sau Liên Hợp Quốc này cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tinh thần đoàn kết và sẻ chia vẫn luôn được đặt lên cao nhất.
Từ nhiều tuần nay, mọi công việc của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đều được điều hành và xử lý từ xa kể cả đối với các nhân viên tại trụ sở ở thủ đô Paris, Pháp tới các văn phòng đại diện tại khắp các châu lục. Và quan trọng hơn là tất cả các nhân viên đều được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về vệ sinh dịch tễ tại nước sở tại.
Dù phải hủy bỏ nhiều hoạt động được lên kế hoạch trong suốt 1 năm qua, trong đó có cả những sự kiện đặc biệt kỷ niệm lần thứ 50 Tổ chức quốc tế Pháp ngữ ra đời, song theo Tổng thư ký Louise Mushikiwabo, tổ chức này không nằm ngoài cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch Covid-19.
“Có những khía cạnh của cuộc sống hiện đại đòi hỏi chúng ta phải sẻ chưa như những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay, với sự bùng phát và lây lan mạnh mẽ của dịch Covid-19 và cả trong những vấn đề toàn cầu như an ninh, chủ nghĩa khủng bố, nhập cư hay biến đổi khí hậu. Dù không phải là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực y tế, song chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ bằng cách này hay cách khác”, bà Mushikiwabo nói.
Theo số liệu thống kê mới nhất, 60%, tức 69 trên tổng số 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, với 22.688 người mắc và 252 trường hợp tử vong. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia thành viên tại châu Phi. Các chuyên gia y tế đã nhiều lần cảnh báo về mức độ rủi ro cực lớn với châu lục này nếu đại dịch Covid-19 lan tới đây, bởi châu Phi vẫn đang có một hạ tầng y tế yếu kém.
Bên cạnh đó là tình trạng nghèo đói, xung đột, môi trường vệ sinh kém và mức độ tập trung dân số cao tại các vùng đô thị. Tuy nhiên, theo Tổng giám đốc Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, những nước này đã có sự chuẩn bị tốt hơn trước các cuộc khủng hoảng về y tế.
Và thông điệp mà bà Louise Mushikiwabo muốn gửi đi vào thời điểm đặc biệt này là mỗi cá nhân hãy hành xử một cách văn minh và có trách nhiệm: “Thông điệp mà tôi muốn gửi đi vào thời điểm đặc biệt này là tất cả mọi người hãy sáng suốt, tránh hoảng loạn, bởi chỉ khi bình tĩnh chúng ta mới có thể suy nghĩ sáng suốt hơn và hơn hết là mới có thể phản ứng phù hợp.
Trong giai đoạn như hiện nay, sự hoảng loạn như chúng ta thấy tại các siêu thị có thể là một phản ứng bình thường song ở cấp độ quốc gia và nhà nước thì cần phải bình tĩnh và tuân thủ hướng dẫn của những người có chuyên môn dù là bạn ở quốc gia chịu ảnh hưởng hay không”.
Trong thông điệp của mình nhân dịp này, Tổng thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ cũng đặc biệt gửi lời cảm ơn tới các nhân viên y tế, những người trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Cộng đồng Pháp ngữ hiện bao gồm khoảng 300 triệu người, trải ở đều khắp 5 châu lục và con số này vẫn tiếp tục tăng. Sau 50 năm hình thành và phát triển, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đang ngày càng trở thành một diễn đàn đa phương quan trọng để các nước triển khai chính sách đối ngoại của mình, cùng các nước thành viên khác tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu, qua đó thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững trên thế giới./.
Thu Hoài/VOV1
(Tổng hợp)