Ngày tị nạn thế giới 2017: “Sát cánh cùng người tị nạn”
VOV.VN - Hôm nay nhiều hoạt động trên toàn thế giới kỉ niệm Ngày tị nạn thế giới 2017 (20/6).
Với công bố mới nhất của Liên hợp quốc cho thấy số người tị nạn trên toàn thế giới hiện ở mức kỉ lục, phản ánh thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm của nhiều thập kỉ, với sự gia tăng mạnh mẽ của các cuộc xung đột trong những năm gần đây, vượt khả năng giải quyết hậu quả của con người.
Trẻ em tị nạn người Syria ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP. |
Một ngày trước Ngày tị nạn thế giới, Liên hợp quốc công bố một báo cáo cho biết, tính đến hết năm 2016, có 65,6 triệu người phải sơ tán vì xung đột và chiến tranh. Đây là con số cao nhất trong lịch sử thế giới, tăng hơn 300.000 người so với cuối năm 2015 và tăng hơn 1 triệu người so với cuối năm 2014.
Trong số 65,6 triệu người phả sơ tán có 22,5 triệu người tị nạn; 40,3 triệu người bỏ nhà, tìm chỗ cư trú mới trong nước và 2,8 triệu người xin tị nạn chính trị. Syria tiếp tục là quốc gia có nhiều người phải di tản nhất, gần 12 triệu người, tiếp theo là Afghanistan (2,5 triệu người) và Nam Sudan (1,4 triệu người). Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi cho rằng, đây là con số đáng báo động về tình hình các cuộc xung đột trên thế giới.
“Theo ước tính, cứ 113 người trên thế giới có 1 người là người tị nạn hay phải đi sơ tán. Điều quan trọng là số lượng này không giảm và đang tăng lên là thông tin không tốt lành. Điều này chứng minh rằng thế giới vẫn chưa giải quyết được các nguyên nhân gây ra tình trạng sơ tán và tị nạn hàng loạt” – ông Grandi nói.
Trong báo cáo đáng chú ý là một nửa số người tị nạn trên toàn cầu là trẻ em dưới 18 tuổi, trong khi lực lượng này chỉ chiếm 31% dân số toàn cầu. Đây là điều đáng quan ngại, phản ánh thực tế trẻ em là đối tượng chịu tác động mạnh từ các cuộc xung đột, chiến tranh.
Theo các nhóm cứu trợ, đây là thành phần dễ bị tổn thương nhất, trong số này có nhiều em có nguy cơ bị ngược đãi, bị cầm tù vì không có giấy tờ tùy thân. Các em bị tước đoạt tương lai và nghiêm trọng hơn đó là hi vọng.
Trong thông điệp nhân Ngày tị nạn thế giới 2017, Giáo hoàng Pope Francis kêu gọi thế giới hãy quan tâm đến những số phận dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột.
“Chúng ta phải có những quan tâm cụ thể đối với các phụ nữ, trẻ em và những người tị nạn phải sơ tán do xung đột, bạo lực và ngược đãi. Chúng ta cần cầu nguyện cho tất cả những người đã mất mạng sống trên chuyến hành trình nguy hiểm trên biển” – Giáo hoàng Francis nhấn mạnh.
Trong các cáo báo mới nhất về tình hình người tị nạn trên thế giới, khoảng 84% những người sơ tán đang sống ở những quốc gia nghèo hoặc có thu nhập trung bình. Điều này càng khiến tình hình ở những quốc gia nhận người tị nạn tồi tệ hơn. Đây có thể coi là một nghịch lí khi chính những nước nghèo và kém phát triển lại đang phải chịu sức ép của cuộc khủng hoảng, trong khi những nước giàu có và phát triển lại thờ ơ.
Giới chuyên gia nhận định, các quốc gia có thể vì nhiều lí do như an ninh, sắc tộc cũng như lợi ích kinh tế …mà từ chối chung tay gánh vác trách nhiệm giải quyết các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng như các cuộc xung đột không được giải quyết, có thể tạo ra những mối đe dọa khẩn cấp mới. Điển hình là cuộc xung đột Syria đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng người tị nạn và di cư tại châu Âu, cũng như là một trong những nguyên nhân thúc đẩy việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu– với nhiều hậu quả chính trị và kinh tế sâu sắc.
Chính vì vậy, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các thách thức, trong đó có cuộc khủng hoảng tị nạn, để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho tất các quốc gia./. Chùm ảnh: Hơn 300 người tị nạn bị ngộ độc thực phẩm ở Mosul (Iraq)
Ảnh: Nhọc nhằn nghề mưu sinh của dân Iraq tị nạn