Nghị sĩ Mỹ ủng hộ nghị quyết về DOC trên Biển Đông
Mỹ cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á cần đi đến một lập trường thống nhất về cách thức hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
- Bản đồ cổ phương Tây khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
- “Trung Quốc ngày càng có thái độ công kích”
Một nhóm các nghị sĩ hàng đầu của Mỹ vừa đề xuất một nghị quyết nhằm hối thúc Trung Quốc và ASEAN hoàn thành việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông trước khi căng thẳng tiếp tục gia tăng.
Nghị quyết trên được giới thiệu bởi các nghị sĩ John Kerry, Richard Lugar, John McCain, Jim Webb, James Inhofe và Joe Lieberman.
Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry (Ảnh: worldpress) |
Sau khi Trung Quốc công bố việc thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” và bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân khóa I của cái gọi là "Thành phố Tam Sa", các chính khách Mỹ đã hối thúc Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á trở lại bàn đàm phán và giải quyết các tranh chấp một cạnh hoà bình.
Nghị quyết yêu cầu tất cả các bên cần phải kiềm chế trong hành động để tránh làm phức tạp hay leo thang các tranh chấp và sự ổn định trong khu vực, cũng như kiềm chế việc đưa dân tới các đảo, bãi đá và giải quyết những bất đồng một cách xây dựng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nỗ lực âm thầm nhưng cương quyết nhằm hối thúc các quốc gia Đông Nam Á giải quyết các bất đồng nội bộ và đi đến một lập trường thống nhất về cách thức hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử (COC) để giải quyết các tranh chấp hàng hải, như các nước trong khu vực từng đạt được vào năm 2002.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại diễn đàn khu vực ASEAN ở Campuchia hôm 12/7 rằng: “Chúng tôi đã nhận thấy những ví dụ đáng lo ngại về sự áp bức về kinh tế và sử dụng các tàu quân sự và chính phủ liên quan tới các tranh chấp giữa các ngư dân. Vì vậy, chúng tôi mong muốn ASEAN và Trung Quốc đạt được tiến bộ đáng kể tiến tới việc hoàn tất bộ quy tắc ứng xử cho khu vực Biển Đông dựa trên các thoả thuận và luật pháp quốc tế”.
Nghị quyết của nhóm nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ một tiến trình nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc trợ giúp các quốc gia ASEAN trong việc duy trì sự mạnh mẽ và độc lập và cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác Mỹ với các nước ASEAN.
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ John Kerry cho rằng, việc ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung về bộ quy tắc ứng cử tại Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 ở Campuchia đã làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, khiến các nghị sĩ Mỹ cho rằng đã đến lúc phải lên tiếng.
Thượng nghị sĩ John Kerry nhấn mạnh: “Những tranh cãi là có thật và chúng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi nghĩ điều tối thiểu mà Thượng viện Mỹ có thể làm là ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm phát triển bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông”.
Trong ngày 26/7, phát biểu trước Thượng viện Mỹ, Nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Á Đông Nam Á thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện cho rằng, các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, cụ thể là các diễn biến liên quan đến cái gọi là Tam Sa, là vi phạm luật quốc tế.
Ông Webb cho biết, sẽ thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ làm rõ tình hình xung quanh các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và thực hiện nhiều hoạt động rầm rộ, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines. Biển Đông là nơi Trung Quốc cùng các nước thành viên ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, và việc ngày 21/7 Trung Quốc tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của “thành phố Tam Sa”.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để chuyển lời phản đối kế hoạch lập cơ sở đồn trú tại địa bàn của cái gọi là "thành phố Tam Sa" và phản đối sự xuất hiện của tàu quân sự hộ tống đội tàu cá ở gần khu vực các đảo tranh chấp trong quần đảo Trường Sa./.